Bài học từ tư tưởng Nho giáo cho các ông bố hiện đại
Người Trung Quốc xưa coi vai trò của người cha có vị trí vô cùng đặc biệt trong gia đình. Họ kính trọng cha họ giống như sự tôn kính dành cho vua và thậm chí được ví như sự sùng kính dành cho các vị thần. Truyền thống Trung Hoa có rất nhiều những bài học sâu sắc về bậc làm cha vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.
Người cha trong xã hội Trung Quốc truyền thống
Là người đứng đầu và là trụ cột trong gia đình, người cha có trách nhiệm không chỉ chăm lo cho nhu cầu vật chất của toàn gia đình mà còn giáo dục con cái để chúng khắc sâu những tư tưởng đạo đức và quan điểm tuơng xứng với vị thế gia tộc mà chúng sẽ kế thừa sau này.
Ngài Khổng Tử, một nhà hiền triết nổi tiếng, người đã sống cách đây hơn 2.500 năm, đã dạy rằng lòng hiếu thảo là nền tảng của một gia đình mẫu mực. Nó dựa trên sự kế thừa của lễ nghĩa trong các mối quan hệ xã hội khác nhau, giữa bạn bè, anh chị em, cha và con, vợ và chồng, vua và tôi. Thông qua phân định các mối quan hệ này, con người có thể sống trong sự hài hòa và phát triển cùng nhau.
Ngài cho rằng tình yêu của người cha khác với tình yêu của người mẹ. Trên hết, một người cha cần phải có được sự tôn trọng thích đáng.
Khoảng cách hợp lý
Trong khi người cha phải đối xử tốt và yêu thương con cái của mình, nhưng vẫn cần có một khoảng cách nhất định. Thời Trung Quốc cổ đại, người cha không cố gắng phải trở thành người bạn với con mình theo nghĩa thông thường. Việc của bậc cha mẹ không phải là nuông chiều thế giới của con trẻ mà cung cấp cho chúng đầy đủ các phương tiện để phát triển tính cách và bước vào thế giới của người trưởng thành.
Dù trong công việc hay trong gia đình, người cha được xem là tấm gương cho con trẻ nhìn vào và đưa ra những lời khuyên bảo cần thiết.
Một người cha không thể hạ thấp ranh giới quy chuẩn về vị thế của mình. Mặc dù ngày nay do áp lực của công việc, cha và con thường ít có thời gian bên nhau hơn, nhưng một người cha cần thể hiện là một tấm gương tốt đối với con cái của mình.
Đừng trở thành nhà độc tài
Điều này không phải nói rằng những ông bố Trung Quốc là người đưa ra quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp. Như một nhà tư tưởng Trung Quốc ở thế kỷ I từng nói:
“Tất cả nhân loại đều là con của Thần và nhục thân chỉ đơn thuần được sinh ra từ tinh thần của cha và mẹ. Vì vậy, người cha không có quyền lực tuyệt đối đối với con trai mình.”
Vì đứa trẻ coi cha mình là một hình mẫu và quy chuẩn đạo đức, chúng cũng sẽ cần phải học tập và duy trì cho mình quy chuẩn như vậy. Điều này không giống như sự phục tùng mù quáng mà ngài Khổng Tử phê phán.
Khi một trong những đệ tử của ngài khoe khoang là đã chịu đựng được khi bị cha đánh đập thô bạo, ngài Khổng Tử liền khiển trách người học trò này: “Vì chịu đựng sự đánh đập bất công, chẳng phải trò đã khiến cha mình làm điều sai trái sao?”
Ngài Khổng Tử dạy rằng, vai trò của người con không phải là nghe theo cha mẹ một cách mù quáng mà là học hỏi từ họ những bài học làm người và giúp cha mẹ khắc phục những khiếm khuyết. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm gương cho con. Chỉ có người cha với đầy đủ tính cách mạnh mẽ, chính trực thì người con mới có thể noi theo tấm gương sáng giống cha mình.
Thực tế thời hiện đại
Cuộc sống hiện đại đã đặt các ông bố vào tình huống thực sự khó khăn. Với tỷ lệ 50% các cuộc ly hôn do lựa chọn theo đuổi sự nghiệp, nó cho thấy dường như các ông bố hiện đại không có cơ hội làm tròn đúng trọng trách của người cha.
Vai trò trụ cột trong gia đình của người cha hầu như đã biến thành vai trò người kiếm tiền cho gia đình, thời gian dành cho con cái càng trở nên rất đáng trân trọng. Mỗi khoảnh khắc cha bên con có ý nghĩa vô cùng quan trọng, người cha cần thể hiện được sự mạnh mẽ và làm tấm gương cho con noi theo thay vì chỉ mong muốn nuông chiều bản thân mình và con cái.
Theo Vietdaikynguyen