Bắc Kinh chống dịch như thời chiến, nơi ‘di cư’ của quan chức cấp cao cũng bị virus tấn công
Đợt bùng phát thứ hai của dịch viêm phổi Vũ Hán đã nổ ra ở Bắc Kinh, trước đó, một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã từng nói rằng, Trung Nam Hải dường như không thể chống đỡ được nữa, và một số quan chức cấp cao đã chuyển đến văn phòng làm việc ở núi Ngọc Tuyền.
Đợt tái bùng phát dịch xảy ra tại Bắc Kinh vào giữa tháng 6, ĐCSTQ đã chính thức thông báo, chỉ sau 5 ngày tái bùng phát dịch, số ca nhiễm bệnh đã tăng đột biến lên 100 ca, 9 quận bị “thất thủ”, đồng thời lan rộng càn quét qua 3 tỉnh Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Hà Bắc.
Vào ngày 15, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của ĐCSTQ cho biết, dịch bệnh “bất ngờ” trở nên nghiêm trọng, ổ dịch khu chợ Tân Phát Địa rất lớn, liên quan tới gần 200.000 người. 3 quận Phong Đài, Môn Đầu Câu, Đại Hưng đều bước vào “tình trạng thời chiến”.
Nhiều chợ nông sản tại Bắc Kinh đã bị đóng cửa, gần 30 cư xá đã bị quản lý khép kín. Chùa Ung Hòa Cung vừa đi vào hoạt động được một vài ngày đã bị đóng cửa ngay sau đó. Các cuộc thi thể thao bị đình chỉ, các trường tiểu học, trung học và mẫu giáo lại tiếp tục nghỉ dài ngày, trường nào đã quay lại học thì lập tức đóng cửa.
Bắt đầu từ tối ngày 16, Bắc Kinh dốc sức nỗ lực hạn chế người dân rời khỏi Bắc Kinh và nâng mức phản ứng khẩn cấp của Bắc Kinh từ cấp 3 lên cấp 2.
Kể từ ngày hôm đó, Bắc Kinh đã chỉ định một khu vực có nguy cơ cao trong 27 khu vực có nguy cơ trung bình để tiến hành kiểm tra nhiệt độ và đăng ký người ra vào khu vực này. Truyền thông chính thức dẫn lời một quan chức Bắc Kinh nói rằng, cư dân của các khu vực có nguy cơ cao không được phép rời khỏi khu dân cư.
Các ca bệnh được chẩn đoán ở gần núi Ngọc Tuyền
Ngoài ra còn có 4 ca bệnh được chẩn đoán tại chợ Ngọc Tuyền Đông, sự kiện này đặc biệt thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Theo báo cáo của giới quan chức Bắc Kinh vào ngày 14, trong số các ca nhiễm bệnh mới, có 3 trường hợp được xác nhận tại chợ Ngọc Tuyền Đông ở quận Hải Điến. Ủy ban Y tế quận Hải Điến cũng đã báo cáo vào ngày 13 rằng, một bệnh nhân dương tính với axit nucleic của virus được phát hiện ở chợ Ngọc Tuyền Đông, đây là một ca nhiễm bệnh không có triệu chứng.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 15, “Chợ Ngọc Tuyền Đông và các khu dân cư xung quanh đã bị quản lý khép kín và các địa phương đã khởi động ‘trạng thái thời chiến’ để phòng chống dịch bệnh”.
Truyền thông Đại lục trích dẫn một phân tích của các chuyên gia ĐCSTQ cho hay, tiếp theo Bắc Kinh nên quan tâm đến việc liệu các ca nhiễm bệnh ở khu chợ Ngọc Tuyền Đông có lây nhiễm ra các khu dân cư ở các khu vực xung quanh hay không. Điều này sẽ quyết định sự phát triển của dịch bệnh trong tương lai tại Bắc Kinh, và xác định liệu khu chợ mới này có trở thành “Tân Phát Địa” thứ 2 hay không.
Cho đến nay, chính quyền đã thực hiện quản lý khép kín 10 khu dân cư xung quanh chợ Ngọc Tuyền Đông.
Một cư dân mạng Twitter đã đăng tải một đoạn video cho thấy, một lượng lớn xe cảnh sát đã xuất hiện ở đường vành đai thứ 4 Ngũ Khỏa Tùng gần chợ Ngọc Tuyền Đông và bắt đầu quản lý thiết quân luật. Cư dân mạng nắm rõ sự tình cho biết, các khu dân cư gần chợ Ngọc Tuyền Đông đã bị phong tỏa.
Chợ Ngọc Tuyền Đông dài khoảng 330m, nằm “kẹp” giữa các tòa nhà dân cư ở hai bên, diện tích khoảng 1.000 mét vuông. Trường mẫu giáo Ngũ Nhất thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội ĐCSTQ nằm ở gần chợ Ngọc Tuyền Đông.
Tình hình dịch bệnh ở chợ Ngọc Tuyền Đông khiến các nhà chức trách lo lắng bất thường, cũng là có nguyên nhân. Địa điểm này cách núi Ngọc Tuyền – một địa điểm tránh dịch bệnh của các nhà lãnh ĐCSTQ chưa đến 20km, chỉ mất 20 phút lái xe, có thể nói là khá nhạy cảm.
Văn phòng cấp cao Trung Nam Hải chuyển đến văn phòng ở núi Ngọc Tuyền
Trước đó, vào ngày 17/4, tờ “Minh Báo” (Ming Pao) của Hồng Kông dẫn lời các nguồn tin tiết lộ rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã chuyển từ Trung Nam Hải đến văn phòng ở núi Ngọc Tuyền ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh để tránh tụ tập đông người.
Đây là lần đầu tiên có phương tiện truyền thông tiết lộ rằng Trung Nam Hải đã không thể cầm cự được nữa! Giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ rời Trung Nam Hải để “tránh dịch”, đồng thời cũng nói rõ chi tiết địa điểm văn phòng mới.
Thông tin cho thấy, ở Tây Sơn, Bắc Kinh có quần thể hậu viện của Trung Nam Hải. Ngoài ra còn có nhà ở và khu nghỉ dưỡng sức khỏe dành cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, các cơ quan chỉ huy quân sự quan trọng của ĐCSTQ. Núi Ngọc Tuyền thuộc nhánh phía Đông của nó.
Vào ngày 18/4, nhà văn bất đồng chính kiến Đại lục “Lão Đăng” (tài khoản Twitter là @laodeng89) cũng tweet rằng, theo các nguồn tin nội bộ của ĐCSTQ, đợt tái bùng phát dịch viêm phổi đã đến, thành phố Bắc Kinh được kiểm soát rất nghiêm ngặt, các “Ông trùm” (giới quan chức cao cấp ĐCSTQ) đã sơ tán khỏi khu vực thành phố, chuyển sang Tây Sơn, tình hình giống như đang bước vào “thời kỳ chiến đấu”.
Vào tháng 2 đã có tin đồn Trung Nam Hải bị dịch bệnh “tấn công”
Khi Bắc Kinh tuyên bố “đóng cửa thành phố” vào ngày 10/2, nhiều quan chức cấp cao ở Hồ Bắc và những nơi khác đã bị nhiễm bệnh. Lây nhiễm tập thể cũng đã bùng phát ở Bắc Kinh, bao gồm cả chính quyền quận Tây Thành nơi Trung Nam Hải tọa lạc.
Bệnh viện Phục Hưng nơi xảy ra lây nhiễm tập thể, có xây dựng các phòng bệnh dành cho cán bộ cấp cao ĐCSTQ, chịu trách nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho cán bộ cấp cục và cấp bộ của 45 đơn vị với hơn 5000 người và 4 phòng y tế cao cấp. Nhiều bác sĩ là con cháu của các cán bộ cao cấp. Bệnh viện này chỉ cách Trung Nam Hải 3500m và chỉ mất 7 phút đi xe.
Vào thời điểm đó quan chức của ĐCSTQ cũng xác nhận, một đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã có người bị nhiễm bệnh.
Vào ngày 22/2, có thông tin rằng, Vương Trọng Vĩ, Chủ nhiệm kiêm Bí thư ban cán sự Đảng văn phòng tham mưu Quốc vụ viện, đã được xác nhận là bị nhiễm bệnh và được điều trị cách ly khẩn cấp. Nếu thông tin là đúng, điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã “xâm nhập” vào Trung Nam Hải.
Vào ngày 6/3, giới quan chức Bắc Kinh tiết lộ rằng, toàn thành phố lúc đó vẫn còn 827.000 người quay trở lại Bắc Kinh đang tự cách ly tại nhà để theo dõi, công tác phòng chống dịch bệnh đang bước vào giai đoạn khẩn cấp nhất.
Vào ngày 11/3, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh, yêu cầu tất cả người dân vào Bắc Kinh phải cách ly trong 14 ngày.
Vào thời điểm đó, một số nhà quan sát đã phân tích rằng ĐCSTQ đang cố gắng “giảm nhiệt” tình hình dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu chính trị, nhiều chuyên gia có uy tín dự đoán rằng đợt bùng phát thứ hai có lẽ sẽ sớm xảy ra, vì vậy sẽ không loại trừ rằng trong 7 Thường ủy của ĐCSTQ sẽ có một vài người bị “ngã ngựa” hoặc thậm chí là nhiều hơn.
Minh Huy (Theo Aboluowang)