Bắc Kinh bùng phát đại dịch lần 2, nguyên nhân vẫn còn là ẩn đố
Chính quyền Trung Quốc đã quay trở lại với giả thuyết ban đầu, cho rằng sự tái bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 là do lượng cá hồi nhập khẩu bị nhiễm mầm bệnh.
Ngô Tôn Hữu – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc chia sẻ với tờ báo nhà nước Tin tức Bắc Kinh, ngày 6/7 nhóm của ông đã nghiên cứu đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 tại Bắc Kinh và kết luận rằng, chủng virus đã xâm nhập vào khu chợ Tân Phát Địa giữa tháng 5/2020. Đây là một khu vực ngổn ngang gồm các nhà kho và phòng giao dịch trải rộng trên diện tích gần bằng 160 sân bóng đá gộp lại.
Ông Ngô cho biết, “rất có thể có người bị lây nhiễm COVID-19 đã mang mầm bệnh đến khu chợ Tân Phát Địa, hoặc một mặt hàng nào đó bị phơi nhiễm với mầm bệnh từ vùng tâm dịch đã bị lọt vào đây”.
Ngày 11/6, chính quyền đã ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên trong đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 này và kết luận: Rất có thể người này đã bị lây nhiễm virus vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2020, ông Ngô cho biết.
Nhận định từ ông Ngô mâu thuẫn với khẳng định của các quan chức trước đây khi họ tuyên bố, chủng virus đã xâm nhập vào Bắc Kinh thông qua lượng cá hồi đông lạnh nhập khẩu từ Na Uy, đồng thời họ còn chỉ ra một mẫu thử được lấy từ chiếc thớt chế biến cá hồi dương tính với COVID-19.
Khu chợ Tân Phát Địa
Bà Lý – chủ một cửa hàng hải sản tại Bắc Kinh chia sẻ với Epoch Times rằng, lượng hải sản từ tỉnh Hồ Bắc – nơi tâm chấn dịch bệnh COVID-19 đầu tiên bùng phát vào cuối năm 2019 có giá rất rẻ trong năm nay, do đó đã thu hút các nhà bán buôn hải sản nhập nguồn hàng từ đó.
“Chẳng hạn, tôm hùm đất đã qua chế biến ở đây chỉ 28 NDT cho nửa kg (khoảng hơn 80 nghìn VND)”, bà Lý cho biết và chỉ ra, cùng sản phẩm đó nhưng ở khu vực khác sẽ có giá dao động khoảng 60 NDT cho nửa kg (gần 180 nghìn VND).
Nhiều tài xế xe tải tại khu chợ Tân Phát Địa đã bị nhiễm COVID-19. Bà nhận định, các tài xế xe tải có thể đã bị lây nhiễm virus khi đến tỉnh Hồ Bắc để lấy hải sản.
Cai Liansheng – một nhân viên khu chợ Tân Phát Địa đã đăng tải lên mạng xã hội Weibo rằng, Giám đốc quản lý khu chợ – Trương Dư Hy luôn khuyến khích họ nhập các mặt hàng từ tỉnh Hồ Bắc kể từ cuối tháng 2. Kể từ đó, khu chợ đã nhập ngày càng nhiều mặt hàng đông lạnh từ khu vực này.
Anh Cai cho biết thêm, còn một khu chợ khác là chợ hải sản Kinh Thâm. Đây là khu chợ nhập khẩu hải sản lớn nhất tại Bắc Kinh, nhưng không có ai tại khu chợ này bị chẩn đoán dương tính với COVID-19, việc này làm dấy lên nghi vấn khi chính quyền khẳng định, chủng virus bắt nguồn từ lượng cá hồi nhập khẩu.
Chợ Kinh Thâm nằm tại quận Phong Đài, với khoảng 800 cửa hàng chủ yếu buôn bán mặt hàng hải sản. Ngày 13/6, Phó giám đốc chính quyền quận Phong Đài – Trương Kiệt cho biết, không có ai tại khu chợ Kinh Thâm bị nhiễm COVID-19.
Giám đốc khu chợ Tân Phát Địa cũng khẳng định, tại cửa hàng có mẫu thử dương tính của COVID-19 được lấy từ một chiếc thớt, số cá hồi tại đây là được nhập từ chợ Kinh Thâm.
Chẩn đoán hàng loạt và tiến hành cách ly
Đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 khiến nhiều người dân hoảng sợ. Chính quyền đã thực hiện những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Trong cuộc họp báo ngày 7/7, Bàng Tinh Hỏa – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh khẳng định, các nhà chức trách đã thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hơn 11 triệu trường hợp kể từ ngày 11/6.
Ngày 7/7, Bắc Kinh cũng đã thả tự do cho hơn 5.000 người có kết quả chẩn đoán âm tính với COVID-19 sau khi họ bị các ly 14 ngày. Nhưng chính quyền cho biết vẫn còn hàng nghìn người đang phải thực hiện cách ly, vì có tiếp xúc gần với những bệnh nhân nhiễm COVID-19, và có thể sẽ phát bệnh trong tương lai.
Người dân địa phương cho biết, các con phố đều vắng bóng người, nhưng số lượng người vô gia cư lại tăng lên.
Tại quận Hải Điến, có một gia đình 5 người sống tại một tiệm cắt tóc nhỏ do họ mở ra. Người mẹ và ông bà phục vụ khách hàng vào ban ngày, còn người cha thì làm những công việc lặt vặt bên ngoài. Đêm đến, cả nhà sẽ đóng cửa tiệm và cùng ngủ bên trong.
Người ông chia sẻ, “chúng tôi rất áp lực. Cậu ấy [người cha] không kiếm đủ tiền, và chúng tôi đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ cửa tiệm này”.
Ngày 7/7, kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc được diễn ra. Đội ngũ cán bộ giáo dục đã ban hành các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn virus lây nhiễm cho những thí sinh dự thi.
Trước khi thi 14 ngày, toàn bộ thí sinh dự thi phải báo cáo tình trạng sức khỏe của mình cho nhà trường mỗi ngày, tất cả bắt buộc phải đeo khẩu trang khi làm bài kiểm tra. Những học sinh nhiễm COVID-19 sẽ không được phép tham gia kỳ thi, “trừ khi được sự cho phép đặc biệt từ cơ quan y tế”. Những học sinh đang trong giai đoạn cách ly bắt buộc sẽ làm bài thi tại các địa điểm riêng biệt.
Việt Anh (Theo Epoch Times)