Australia: Trời xuất hiện mưa lớn giúp dập tắt cháy rừng
Những cơn mưa lớn trút xuống các bang đang bị cháy rừng tàn phá ở Australia đã giúp dập tắt nhiều đám cháy. Tuy nhiên, những cơn mưa trong thời gian ngắn kèm theo dông sét này cũng gây ra nhiều sự cố lũ quét nghiêm trọng.
Vào hôm nay (16/1), những cơn mưa lớn đã xuất hiện tại nhiều khu vực thuộc các bang New South Wales và Victoria của Australia. Trung bình tổng lượng mưa đo được từ 30 đến 80 mm, một số khu vực có lượng mưa lên đến 100mm.
Tại bang New South Wales, những trận mưa như trút nước đã dập tắt được 32 đám cháy, giúp giảm các vụ cháy từ 120 xuống còn 88 vụ.
Nhiều lính cứu hỏa đã ăn mừng khi cơn mưa đầu tiên trút xuống nơi đây. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thời gian nghỉ ngơi sau cuộc chiến với những đám cháy chết người hơn 3 tháng qua.
Tại bang Victoria, vùng ngoại ô St Albans thuộc thành phố Melbourne cũng được chứng kiến lượng mưa tới 77mm trong nửa giờ. Theo dự báo thời tiết, 80% khả năng là hôm nay cũng xuất hiện mưa rào ở phía Đông của bang, nơi đang xảy ra các đám cháy.
Theo các chuyên gia khí tượng học, những cơn mưa rất có giá trị vào thời điểm này. Chúng giúp kiểm soát, thậm chí dập tắt các đám cháy, đồng thời cải thiện chất lượng không khí vốn liên tục ở mức nguy hiểm trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên cũng có những lo ngại rằng, mưa lớn trong thời gian ngắn kèm theo dông sét rất dễ gây ra các trận lũ quét, lở đất, mưa đá, làm gãy đổ cây cối và cuốn theo rác thải từ các đám cháy xuống các dòng sông.
Theo đó, kể từ chiều 15/1, nhiều sự cố lũ quét đã được báo cáo tại các khu vực ở bang Victoria. Ngoài ra, đã có ít nhất 2 vụ cháy xảy ra tại Công viên quốc gia Great Otway do bị sét đánh.
Cùng ngày 15/1, cơ quan khí tượng Australia cũng cảnh báo mưa dông đi kèm mưa đá nghiêm trọng sẽ xuất hiện tại các bang Tây Úc và Queensland. Ngoài ra đầu tuần tới, các bang Victoria, Nam Úc và tây New South Wales có thể có mưa lớn, gió xoáy, lũ quét, thậm chí có bão Supercell.
Supercell là một hiện tượng bão hiếm gặp, gồm những đám mây xoay liên tục theo chiều thẳng đứng kèm theo mưa đá, gió lớn và sét, có thể tạo ra lốc xoáy. Supercell có độ cao lên tới 10km, phạm vi lớn và có thể mở rộng ra nhiều km.
Tính đến ngày 15/1, thảm họa cháy rừng ở Australia đã khiến 28 người chết, hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 10 triệu ha rừng cùng hơn 1 tỷ động vật bị thiêu rụi. Khói mù do cháy rừng cũng khiến thủ đô Canberra và thành phố Melbourne nằm trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
New South Wales và Victoria được xác định là các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngọn lửa đã xé nát vùng rừng rậm và nhiều công viên quốc gia tại hai tiểu bang này.
Đáng lo ngại là các đám cháy đã “xích lại gần nhau”, tạo thành những “hỏa ngục” có mức tàn phá vô cùng lớn; khiến cho việc dập lửa hầu như vô vọng. Người dân trong các khu vực cháy rừng đã buộc phải dời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, bỏ công việc đem theo con cái di tản sang những vùng khác. Theo Reuters, giới chuyên gia môi trường và xã hội Australia cho rằng, tối thiểu 10 năm nữa người dân mới có thể ổn định lại cuộc sống.
Thùy Linh (t/h)