Ảnh hiếm về cách tổ chức hôn lễ của một gia đình quý tộc Trung Quốc thời nhà Thanh
Những khoảnh khắc hiếm hoi trong ngày trọng đại nhất cuộc đời của một tiểu thư quyền quý thời nhà Thanh đã được ghi lại qua ống kính của nhiếp ảnh gia phương Tây.
Lễ thành hôn thời nhà Thanh (1644-1911) về cơ bản cũng giống như các cuộc hôn nhân truyền thống khác của người Trung Quốc cổ đại. Vào ngày cưới, tân nương (cô dâu) sẽ được một nữ tỳ hoặc nhũ nương (vú nuôi) trong nhà giúp vấn tóc và mặc trang phục cưới màu đỏ, còn được gọi là “giá y”, vì người Trung Quốc tin rằng màu đỏ tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn.
Gia đình tân lang (chú rể) sẽ đứng trước cửa chờ kiệu hoa đưa tân nương đến, sau đó rước nàng vào nhà. Tiếp theo, đôi vợ chồng mới cùng nhau thực hiện nghi thức bái đường và dâng trà lên cho các bậc phụ mẫu của họ. Cũng như thời nay, sau khi làm lễ cả gia đình cùng họ hàng thân thích, người quen sẽ cùng tham dự một bữa yến tiệc thịnh soạn trong tiếng kèn, pháo nổ linh đình.
Tiếp theo đây, hãy cùng quay ngược thời gian về thời cổ đại, thông qua những bức ảnh hiếm hoi ghi lại toàn bộ quá trình tổ chức lễ cưới của một tiểu thư trong gia đình quý tộc Trung Quốc dưới thời nhà Thanh qua ống kính của nhiếp ảnh gia phương Tây.
Những người hầu trong nhà được phân công búi tóc và mặc trang phục thành hôn cho tân nương. Qua tạo hình của tân nương trong hình, nhiều ý kiến đánh giá rằng đây là một tiểu thư xuất thân từ gia đình quyền quý. Vì ở thời nhà Thanh, thông thường chỉ có giới quý tộc và nữ nhân trong cung cấm mới được đội trên đầu chiếc mũ lớn (Điền tử) như trong ảnh.
Bên cạnh đó, còn một số hình ảnh trong một đám cưới khác ở thời nhà Thanh. Khác với tiểu thư gia đình quý tộc ở trên, tân nương trong những bức ảnh dưới đây phải đội trên đầu một tấm màn che truyền thống và phải do chính tay tân lang gỡ xuống lúc vào động phòng.
Theo helino