Ấn Độ thử thành công tên lửa hạt nhân đối phó Trung Quốc
Hôm 6/2, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn Agni-I có thể mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc có thể nóng trở lại bất cứ lúc nào.
Tạp chí Diplomat cho biết, tên lửa Agni-I được phóng từ xe phóng di động vào 8h30 sáng 6/2 theo giờ địa phương (tức 9h30 theo giờ Việt Nam) tại khu thử nghiệm Abdul Kalam, một hòn đảo nằm cách phía Đông Ấn Độ khoảng 10km.
Các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, đây là phiên bản thứ 18 của tên lửa Agni-I và thử nghiệm thành công ngoài mong đợi. Tên lửa đánh trúng mục tiêu giả định trên Vinh Bengal với sai số rất nhỏ, nó có thể đạt được tất cả các thông số trong khoảng thời gian quy định. Đây là một phần trong quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm của Lực lượng tên lửa chiến lược Ấn Độ (SFC).
Nguồn tin cho biết thêm rằng, quỹ đạo của tên lửa được theo dõi bởi một loạt radar, trạm quan trắc từ xa, các thiết bị quang điện tiên tiến và tàu chiến của Hải quân Ấn Độ cho đến khi tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Tên lửa Agni-I được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến với độ chính xác cao. Lần thử nghiệm thành công gần đây nhất của nó diễn ra trong tháng 11/2016.
Agni-I là tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhiên liệu rắn được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), được thử nghiệm lần đầu tiên ngày 25/1/2002. Tên lửa này được trang bị công nghệ dẫn hướng hiện đại. Đầu đạn của nó có khả năng sửa sai quỹ đạo để tấn công chính xác hơn. Nó dài 15m, đường kính 1m, trọng lượng phóng 12 tấn.
Tên lửa được đưa vào hoạt động trong SFC từ năm 2004. Agni-I có tầm bắn từ 700-900km và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này được thiết kế để cung cấp khả năng răn đe hạt nhân tin cậy chống lại Trung Quốc. SFC hiện có khoảng 75 tên lửa Agni-I hoặc nhiều hơn.
Ấn Độ đang có nhiều thành tựu trong việc xây dựng bộ 3 răn đe hạt nhân. Tháng 12/2017, tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên INS Arighant được đưa vào hoạt động. Tàu ngầm này có thể mang theo 8 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-4. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 3.500km và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tháng 1, Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V, tầm bắn khoảng 5.800-8.000km. Tên lửa này nặng khoảng 50 tấn, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng khoảng 1,5 tấn.
New Delhi cũng đang nghiên cứu công nghệ phương tiện tái nhập khí quyển nhiều mục tiêu độc lập (MIRV).
Lực lượng tên lửa chiến lược Ấn Độ được cho là kém hơn Trung Quốc về quy mô và tầm bắn. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính, Trung Quốc có khoảng 500-800 tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-11 và DF-15. Tuy vậy, tên lửa của Ấn Độ được trang bị công nghệ dẫn hướng tiên tiến và độ chính xác cao hơn.
Căng thẳng biên giới giữa 2 nước bùng phát từ tháng 6/2017, đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn có thể nóng lên bất cứ lúc nào. Truyền thông Ấn Độ hồi tháng 12/2017 cáo buộc Trung Quốc tăng cường lực lượng trở lại ở khu tranh chấp Doklam.
Tú Văn (t/h)