Trung Quốc trịnh trọng đón tiếp vị lãnh tụ Myanmar từng bị họ tẩy chay
Bắc Kinh hôm 10/6 đã đón tiếp lãnh tụ phong trào đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi, người từng bị họ tẩy chay, trong một chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày theo lời mời của đảng Cộng sản Trung Quốc, RFI cho biết.
Bắc Kinh không ngần ngại nghênh đón người trước đây bị chính họ tẩy chay vì là đối thủ của tập đoàn quân sự Myanmar, đồng minh của Trung Quốc. Theo chương trình dự kiến, Bà Aung San Suu Kyi sẽ được cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp kiến.
Nhưng đâu là lý do thúc đẩy Bắc Kinh trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Myanmar, RFI nhận xét:
“Chuyến thăm đầu tiên có tính lịch sử này minh họa cho sự xấu đi trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Myanmar. Trong nhiều năm trước đây, Bắc Kinh là hậu thuẫn chính cho tập đoàn quân sự cầm quyền tại Myanmar.
Nước này đã rơi vào tình trạng phải lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc khi Hoa Kỳ và Châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế trên Myanmar, chính là để phản đối việc tập đoàn quân sự giam giữ bà Aung San Suu Kyi.
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn quân sự Myanmar tự giải thể, quyền lợi của Trung Quốc tại nước này đã bị lay động. Công trình xây dựng một con đập khổng lồ mà người dân Myanmar căm ghét đã bị chính quyền dừng lại, cũng như hoạt động một mỏ đồng”.
Thêm vào đó, chiến sự lại bùng lên ở vùng biên giới hai nước, giữa quân chính phủ Myanmar và lực lượng du kích Kokang. Hàng ngàn thường dân đã chạy qua lánh nạn tại Trung Quốc, trong lúc có 4 nông dân Trung Quốc thiệt mạng vì một quả bom do máy bay Myanmar thả xuống.
Khi nghênh tiếp Aung San Suu Kyi, Trung Quốc muốn bảo tồn quyền lợi của mình, vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà rất có thể sẽ chiến thắng nhân cuộc bầu cử Quốc hội ở Myanmar vào Tháng 11 tới đây. Hành động này cũng thể hiện mong muốn chống lại chiến dịch chiêu dụ Myanmar của Hoa Kỳ, qua đó bảo vệ vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Về phần bà Aung San Suu Kyi, giới quan sát đang từ hỏi là trong tư cách là người đoạt giải Nobel Hòa bình, liệu bà có lên tiếng can thiệp cho một Giải Nobel khác người Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba, đã bị Bắc Kinh cầm tù từ năm 2009 đến nay?
Giới hoạt động nhân quyền đã từng thúc đẩy Myanmar nêu bật trường hợp Lưu Hiểu Ba trong các cuộc họp với hai lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Liệu bà Aung San Suu Kyi có dám làm hay không. Dẫu sao thì điều đó sẽ rất khó biết, vì dù trải thảm đỏ đón Aung San Suu Kyi nhưng Trung Quốc đã không mời báo chí ngoại quốc theo dõi các sự kiện quan trọng của chuyến thăm.
Theo Bizlive