Thiếu tá Mỹ đề xuất lập Trung tâm Hàng hải Quốc tế để giám sát Trung Quốc
Mỹ nên thành lập một Trung tâm Hoạt động Hàng hải Quốc tế (IMOC) ở Indonesia nhằm giám sát các hoạt động trên biển trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Thiếu tá hải quân Jeff W. Benson đề xuất trong bài luận đăng trên trang tin của Học viện hải quân USNI News.
Trong cuộc điều trần trước quốc hội cuối năm 2014, chỉ huy sắp tới của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) là Harry B. Harris Jr đã nói rằng, “Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự trong khu vực và cường quốc kinh tế Thế giới, nhất là tốc độc hiện đại quân sự nhanh và thái độ hung hăng của Bắc Kinh với láng giềng”, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho Mỹ.
Để ứng phó với thách thức từ Trung Quốc, trong bài luận đăng trên trang tin của Học viện Hải quân Mỹ USNI News, thiếu tá Jeff W. Benson, thuộc Trung tâm tác chiến mặt nước hải quân Mỹ, nêu đề xuất thành lập IMOC để chứng minh cam kết của Washington với khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như theo dõi các diễn biến trên Biển Đông và Ấn Độ Dương.
IMOC sẽ là cầu nối chính để thúc đẩy quan hệ hàng hải giữa Mỹ với các lực lượng của Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác. Trung tâm cũng có khả năng bảo đảm cho các hoạt động thương mại trên biển.
Có nhiều vị trí ở châu Á – Thái Bình Dương có thể đặt IMOC nhưng theo ông, Indonesia có tính chiến lược riêng biệt. Indonesia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực và tổng thống nước này là Joko Widodo bày tỏ mong muốn đưa Indonesia trở thành nhân tố chính trong lĩnh vực hàng hải. Đặc biệt, Indonesia có vị trí trung tâm trong các hoạt động hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Benson cho hay, hải quân Trung Quốc (PLAN) đang tăng cường nỗ lực đóng tàu ngầm và tàu chiến nội địa, dự định bổ sung thêm ba tàu sân bay và duy trì các tên lửa tấn công như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
Đến năm 2020, PLAN sẽ đưa vào hoạt động gấp hơn hai lần số tàu ngầm ở châu Á – Thái Bình Dương, tương đương 60% số tàu ngầm Mỹ sẽ được triển khai. Loại tàu và vị trí hoạt động của tàu cũng quan trọng không kém số lượng.
PLAN đang mở rộng các hoạt động bề mặt và dưới nước ở bên ngoài bờ biển Trung Quốc và có thể tiếp tục các hoạt động này trong tương lai gần. Cùng với việc tiến về Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng sự hiện diện ở Biển Đông.
Nước này thành lập Cục Hải dương Quốc gia (SOA) với hai nhiệm vụ quan trọng gồm thực thi các tuyên bố chủ quyền trên biển và thăm dò đáy biển nhằm tìm kiếm tài nguyên và hỗ trợ hoạt động của tàu ngầm. SOA dự kiến sở hữu hơn 500 tàu vào năm 2020.
Ngoài ra, PLAN còn tiến hành các hoạt động quân sự khác ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, như tích cực bồi đắp và xây dựng công trình ở các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây có thể là những trung tâm hậu cần tương lai, nơi neo đậu của các loại tàu thuyền hải quân, đường băng cho máy bay hoặc đặt các vũ khí thường xuyên.
PLAN không có các căn cứ hải quân thường trực ở Ấn Độ Dương nhưng đang gây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực này để hỗ trợ các hoạt động hải quân sắp tới.
Theo ông Benson, dù gặp nhiều khó khăn trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương và giám sát sự trỗi dậy của Trung Quốc trên biển, Mỹ vẫn phải hành động để tránh mất uy tín với các đồng minh.
“Hải quân Mỹ với sự hỗ trợ của quốc hội và chính quyền Obama nên tìm cách để hành động nhiều hơn khi Trung Quốc tăng cường các lợi ích và ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương và Biển Đông”, ông nói.
Theo VNE