Tình ngoại giao giữa Đức và Nga rạn nứt
Sau 9 tháng không ngừng ngoại giao để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì trung tuần Tháng 11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định thay đổi chiến thuật là điều cần thiết.
Trước thời điểm các lãnh đạo tham dự hội nghị G20 tại Australia, bà Merkel đã tự mình đứng ra đối chất với Vladimir Putin mà không có thông dịch viên và trợ lý.
Thay vì chất vấn những lời mà bà cho là hứa suông của ông Putin, bà Merkel đề nghị Tổng thống Nga bày tỏ chính xác điều ông muốn ở Ukraine và những khu vực từng thuộc Xô Viết cũ, nơi điện Kremlin đã bắt đầu tấn công bằng chiến dịch tuyên truyền.
10 giờ tối ngày 15/11, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga đã có một cuộc họp tại Brisbane Hilton.
Nhưng tất cả phản hồi từ Tổng thống Putin là sự chối bỏ và né tránh vốn là điều mà bà Merkel phải nghe trong suốt nhiều tháng qua.
“Ông ấy tỏ ra lạnh lùng. Putin đã tự đánh vào mình mà không hề nhận ra”, một quan chức nói về cuộc đối thoại.
Cuộc họp lần này tại Brisbane và một cuộc họp khác 1 tháng trước đây tại Milan – nơi Putin đưa ra những cam kết về hành vi của Nga ở miền Đông Ukraine nhưng đã bị phá vỡ trong ngày – đã đẩy sự thất vọng của Berlin lên một mức độ mới. Bà Merkel đã chạm mặt với những bế tắc trong hoạt động ngoại giao với Putin.
Sự thất vọng của bà Merkel được thể hiện trong suốt bài phát biểu của bà tại Sydney. Bằng ngôn từ cứng rắn bất thường, bà cáo buộc Nga đang chà đạp luật pháp quốc tế bằng “tư duy cũ” dựa trên những khu vực ảnh hưởng.
Vào Tháng 2, khi Tổng thống thân Nga của Ukraine là ông Viktor Yanukovich trốn khỏi Kiev khi các cuộc biểu tình bạo động đang diễn ra tại quảng trường Maidan thì Đức đã dẫn đầu trong việc cố gắng thuyết phục Putin hòa hoãn với phương Tây.
Bà Merkel đã thuyết phục ông Putin với 30 cuộc điện thoại. Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier, một thành viên của Đảng Dân chủ (SPD) cũng bỏ ra hàng trăm giờ để cố đạt được một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột.
Và nay, giới chức Đức cho biết họ đã từ bỏ ý định có thể tác động đến nhà lãnh đạo Nga. Các kênh liên hệ ngoại giao với Nga vẫn tiếp tục nhưng mối quan hệ đang chìm trong một sự xa cách kéo dài, như một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai.
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài tại nơi mà Nga muốn gì làm nấy”, ông Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Đức và là thành viên thuộc Đảng Bảo thủ của bà Merkel phát biểu với Reuters.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Reuters