Kỳ lạ người bị dị ứng với sóng điện tử, phải vào trong hang để sinh sống
Mọi người thường nghe đến việc bị dị ứng vì sự chênh lệch nhiệt độ, dị ứng với phấn hoa, hải sản, hoặc từng trải qua những chứng bệnh này, nhưng có lẽ ít người biết đến chứng ‘dị ứng với sóng điện từ’.
Trên thế giới có một số người không thể chịu được khi tiếp xúc với sóng điện từ, họ cảm thấy như bị tra tấn chết đi sống lại, vì vậy mà phải sống cách ly, tách biệt với thế giới bên ngoài.
Chứng dị ứng với sóng điện từ
Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì trên thế giới cũng xuất hiện ngày càng nhiều các chứng bệnh kỳ quái hơn, trong đó có chứng bệnh ‘dị ứng với sóng điện từ’, người bệnh vì tiếp xúc với sóng điện từ mà trở nên đau ốm.
Chứng dị ứng sóng điện từ này được Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào năm 2006. Tuy vậy đến nay mới chỉ có một số nước như Canada, Thụy Điển và Đức công nhận nó là một loại bệnh.
Kết quả trong các nghiên cứu phát hiện, người dị ứng với sóng điện từ không thể nhận biết bản thân có ở trong hoàn cảnh tồn tại sóng điện từ hay không. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, căn nguyên dẫn đến chứng bệnh này có thể có ẩn tình khác.
Họ chỉ phóng đoán triệu chứng của người bệnh có thể là do tác động từ máy tính, điện thoại, nguồn phát sáng lập lòe, do chất lượng không khí hoặc áp lực cuộc sống.
Sống trong hang như thời đồ đá vì dị ứng sóng điện từ
Tại cao nguyên Vercors vùng đông nam nước Pháp có một hang núi, ngay cửa động này có viết một tấm bảng ghi ‘Cấm điện thoại di động’, tại đây có 2 người phụ nữ bị dị ứng nghiêm trọng với sóng điện từ, họ sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Hai người phụ nữ trên là Bernadette và Cotton, hơn 10 năm trước, khi họ ở độ tuổi từ 50 đến 60, từng được các phóng viên phỏng vấn hỏi về nguyên nhân tại sao cả 2 bà lại phải sống tách biệt ở trong hang động này.
Bà Bernadette nay đã hơn 70 tuổi cho biết, bà chỉ cần tiếp xúc với sóng điện từ thì sẽ lập tức bị chứng đau nửa đầu hành hạ đến mức muốn phát điên. Chỉ khi ở trong hang động này bà mới có thể yên ổn và chợp mắt được, còn những nơi khác hiện nay đều có sóng điện từ, nơi đó khiến bà cảm giác chẳng khác nào như bị đày dưới địa ngục, phải chịu cực hình tra tấn.
Về phần bà Cotton, bà cho biết bản thân từng là giáo viên giảng dạy tại đại học Nice, trường này đã giải thể vào ngày 31/12/2019, sau đó sáp nhập vào đại học Côte d’Azur.
Bà Cotton cho biết bản thân phát hiện ra căn bệnh trên từ năm 2009, lúc ấy trường học của bà cài đặt mạng wifi và bà đột nhiên không thể chịu đựng được sự tồn tại của sóng điện từ phát ra từ thiết bị này, nó khiến cho bà mỗi lần bước vào trường là toàn thân lại đau nhói như bị kim châm.
Không chỉ sóng điện từ phát ra từ mạng wifi mà ngay cả tín hiệu của điện thoại di động, dòng điện cao thế, hay mạng internet đều khiến bà cảm thấy như cơ thể bị lửa bừng bừng thiêu đốt từng giây từng phút.
Thời gian đó, ngày nào bà cũng phải chạy xe đi tìm đến nơi nào chưa phủ sóng wifi, đỗ xe ở đấy và ngủ qua đêm.
Trong một lần tìm nơi nghỉ ngơi, bà Cotton bất ngờ phát hiện ra một hang động và ở lại qua đêm tại hang động này, lúc ấy bà phát hiện tình trạng dị ứng sóng điện từ của bản thân có chuyển biến theo chiều hướng tốt, từ đó bà bắt đầu nảy sinh ý định sống và sinh hoạt trong hang động này…
Bất hạnh của người phụ nữ phải sống trong ‘lồng kín’
Ngoài bà Bernadette và Cotton, tại nước Anh cũng có một người phụ nữ tên Wilma, bị chứng dị ứng với sóng điện từ hành hạ. Chỉ cần tiếp xúc với sóng điện từ, bà sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau khớp, tim đập dồn dập, trí nhớ giảm sút…
Điều đáng nói là tình trạng của bà càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nó khiến cuộc sống của bà mỗi ngày đều vô cùng thống khổ.
Để tránh bệnh tiến triển nặng hơn, ngoài việc không dùng bất kể sản phẩm nào từ khoa học kỹ thuật, Wilma còn phải bổ sung thêm rất nhiều chất dinh dưỡng.
Bà còn phải ở trong một chiếc lồng bảo vệ đặc biệt tới 18 tiếng mỗi ngày nên không thể ra ngoài làm việc như những người bình thường. Nếu cần phải ra ngoài, bà cũng phải dùng khăn trùm kín đầu và cổ để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với sóng điện từ.
Nhiệt Bạch (Theo Secretchina)