Phim ‘Trường Xuân’ lập kỷ lục khi được đề cử giải Oscar
Ngày 9/11, tạp chí The Hollywood Reporter thông báo, phim tài liệu “Trường Xuân” đã được đề cử cho giải Oscar về phim hoạt hình hay nhất.
Đây là lần đầu tiên giải Oscar phá vỡ quy tắc, vì “Trường Xuân” không phải hoàn toàn 100% là phim hoạt hình.
Trước đó phim “Trường Xuân” đã nhận được cả 2 giải thưởng do khán giả bình chọn, đó là Phim Quốc tế Hay nhất tại Liên hoan Phim tài liệu Thessaloniki, và giải Hotdocs cho Phim tài liệu Canada hay nhất…
“Trường Xuân” (Eternal Spring) là một bộ phim tài liệu hoạt hình, mô tả các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã chèn sóng truyền hình nói rõ sự thật về cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ mà các học viên Pháp Luân Công phải gánh chịu.
Bộ phim kể về sự kiện chèn sóng truyền hình Trường Xuân chấn động thế giới từ 20 năm trước tại Trung Quốc.
Ngày 5/3/2002, các học viên Pháp Luân Công đã chèn sóng thành công chương trình nói sự thật về Pháp Luân Công trên 8 kênh truyền hình ở thành phố Trường Xuân.
Họ đã phát sóng 2 bộ phim ngắn “Đó là tự thiêu hay là một trò lừa đảo?” (chứng minh vụ tự thiêu ở Thiên An Môn là giả và ĐCSTQ đang lừa dối người dân, bức hại các học viên Pháp Luân Công lương thiện tin vào Chân, Thiện, Nhẫn) và “Pháp Luân Đại Pháp truyền bá ra thế giới” trên các kênh truyền hình.
Trong chưa đến một giờ đồng hồ, họ không chỉ giúp cả trăm ngàn khán giả biết được sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại nước này, mà còn được chứng kiến cảnh Pháp Luân Công được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đó các học viên Pháp Luân Công liên quan đã ngay lập tức bị ĐCSTQ bức hại.
Sau đó, các cuộc đột kích của cảnh sát đã càn quét thành phố Trường Xuân – cũng là tên của bộ phim. Đại Hùng (Daxiong), một họa sĩ truyện tranh từng đoạt giải thưởng và là học viên Pháp Luân Công, đã buộc phải trốn sang Bắc Mỹ vào năm 2008.
Ông Đại Hùng đã xuất bản hơn 100 cuốn sách trước khi rời Trung Quốc, một số trong đó mô tả những người dân Trung Quốc thoái ĐCSTQ hoặc minh họa các sự kiện năm 2002 mà ông đã tận mắt chứng kiến. Ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu nhiều lần.
ĐCSTQ ban hành danh sách cấm
“Trường Xuân”, bộ phim tài liệu dựa trên chính trải nghiệm của họa sĩ Đại Hùng, đã được chọn đề cử tranh giải Phim truyện quốc tế hay nhất (Best International Feature Film) của Canada tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95.
Tuy nhiên, đề cử này đã khiến bộ giáo dục Trung Quốc cấm tất cả các truyện tranh của họa sĩ Đại Hùng.
Vào ngày 25/8/2022, phòng giáo dục thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã ban hành danh sách cấm sách đối với các trường mẫu giáo và trung học cơ sở, trong đó có sách của họa sĩ Đại Hùng.
Ngày 29/8/2022, cả 2 phương tiện truyền thông Trung Quốc NetEase và Đài Á Châu Tự do cũng đưa tin rằng nhiều trường học đã nhận được thông báo về danh sách sách bị cấm trước khi học kỳ mới bắt đầu.
Lý do được đưa ra là những cuốn sách này là “tác phẩm” của một học viên Pháp Luân Công “chủ chốt” đã “trốn sang Hoa Kỳ”, theo tuyên bố của chính quyền Trung Quốc.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Sau khi được phổ truyền ra công chúng vào năm 1992, môn tập này đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Vào những năm 1990, số liệu thống kê của chính phủ ước tính môn tập này có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Thế nhưng, ĐCSTQ lại xem sự phổ biến này là một mối đe dọa, vì vậy vào tháng 07/1999, đảng này đã khởi động một chiến dịch bức hại nhắm vào Pháp Luân Công. Kể từ đó, nhiều học viên đã bị đưa vào các trại lao động, nhiều người đã thiệt mạng vì bị tra tấn, gia đình ly tán.
Bên cạnh những cuốn sách của Đại Hùng, trong danh sách cấm còn có những tác phẩm của nhà sử học Dịch Trung Thiên (Yi Zhongtian) như “Những câu chuyện cổ điển của Trung Quốc” (Chinese Classic Stories) và tác giả nổi tiếng người Đài Loan Long Ứng Đài (Lung Ying-tai).
Thông báo cho biết những cuốn sách đó “không còn phù hợp để học sinh đọc”, theo “thông báo của các cơ quan cấp cao”.
Nhà văn Long Ứng Đài đã trả lời trên tài khoản Facebook của mình rằng, “Thật sự rất vinh dự khi bị [ĐCSTQ] cấm”.
Về phần họa sĩ Đại Hùng, ông cho biết “lệnh cấm không ảnh hưởng đến tôi mà là các nhà xuất bản”, theo The Epoch Times Tiếng Trung.
Được biết, trước khi rời Trung Quốc, họa sĩ Đại Hùng đã xuất bản hơn 100 cuốn truyện tranh về văn hóa truyền thống Trung Quốc và các triết gia cổ đại như Lão Tử, Tôn Tử, Khổng Tử và Mạnh Tử. Ngoài ra, các trường đại học lớn ở Trung Quốc đã sử dụng sách của ông để dạy kỹ thuật vẽ cho sinh viên.
“Điều mà ĐCSTQ cấm không phải là sách, mà là cá nhân tôi”, ông nói.
“Pháp Luân Công là chủ đề nhạy cảm nhất đối với ĐCSTQ. Họ không bao giờ dám công khai thừa nhận cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công”, ngay cả những người chống lại ĐCSTQ cũng không dám nói về Pháp Luân Công trước công chúng, ông Đại Hùng nói.
Đối với việc được coi là thành viên “chủ chốt” của Pháp Luân Công, ông Đại Hùng nói: “Tôi chẳng là ai cả. Tôi chỉ là một người có ý chí tự do và tu luyện Pháp Luân Công”.
Một sự lựa chọn can đảm
Đạo diễn phim “Trường Xuân”, Jason Loftus, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng “Trường Xuân” là “minh chứng cho lòng dũng cảm của những người có liên quan để lên tiếng đối mặt với sự bất công, bất chấp cái giá phải trả”.
Bộ phim tài liệu do Canada sản xuất, kết hợp giữa cảnh quay trực tiếp và hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ nghệ thuật của họa sĩ Đại Hùng này, đã giành được nhiều giải thưởng trên khắp thế giới như:
- Giải thưởng Khán giả và Giải Giá trị con người tại Liên hoan phim Quốc tế Thessaloniki ở Hy Lạp – Fischer Audience Award (Best International Feature) & Hellenic Parliament’s Human Values Award
- Tháng 4/2022 – Giải thưởng được chú ý đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế Movies That Matter ở Hà Lan
- Giải thưởng của ban giám khảo và khán giả cho phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Lighthouse trên Đảo Long Beach
- Giải thưởng Cao nhất (Supreme Award) tại Liên hoan Phim Tài liệu Melbourne
- Ngày 8/5/2022 – Giải thưởng của khán giả tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế lớn nhất ở Toronto, Bắc Mỹ “2022 Hot Docs”
Đạo diễn Loftus thừa nhận rằng việc chỉ ra những hành vi sai trái ở Trung Quốc có thể gây rủi ro cho một nhà làm phim. Báo chí Canada đưa tin, một số liên hoan phim đã chọn không chiếu “Trường Xuân” cũng vì lý do này.
Họa sĩ Đại Hùng nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã buộc nhiều nhân tài của Trung Quốc phải từ bỏ sự nghiệp và sống trong cảnh ly tán. Đối với ông, hành trình đến được Bắc Mỹ không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, ông nói với tư cách là một người tu luyện, “Điều quan trọng là phải làm những điều nên làm và lựa chọn những điều đúng đắn”.
“Những giải thưởng này không đại diện cho sự đánh giá về bộ phim hay cá nhân tôi”, ông Đại Hùng nói, “mà là một khảo nghiệm cho công chúng”.
Ông giải thích, sau 23 năm chiến dịch bức hại ở Trung Quốc, “Cách mọi người nhìn nhận các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công, cách mọi người suy nghĩ về những gì đang diễn ra bên trong Trung Quốc. Đó đều là những khảo nghiệm đối với tất cả mọi người”.