Iran đưa vấn đề hợp tác chống ISIS lên bàn đàm phán hạt nhân
Iran sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các đồng minh tiêu diệt ISIS, nhưng muốn các nước này linh hoạt hơn đối với chương trình làm giàu uranium của Tehran, một quan chức Iran cho biết.
Quan chức ẩn danh này nhấn mạnh, các cường quốc phương Tây khó mà tách bạch chương trình đàm phán hạt nhân ra khỏi xung đột địa phương. Iran có tầm ảnh hưởng nhất định trong nội chiến tại Syria cũng như đối với chính phủ Iraq, quốc gia đang chiến đấu chống lại sự bành trướng của ISIS.
Iran đã gửi tín hiệu đa chiều cho thấy nước này sẵn sàng hợp tác để tiêu diệt ISIS, nhóm Hồi giáo dòng Sunni cực đoan đang xâm chiếm các vùng lãnh thổ thuộc Syria và Iraq, gây nên làng sóng bạo lực sắc tộc, chặt đầu con tin và tàn sát dân thường.
Lãnh tụ tối cao Iran là ông Ayatollah Ali Khamenei mới đây cho biết đã từ chối đề nghị hợp tác cùng Mỹ tiêu diệt ISIS, nhưng quan chức Hoa Kỳ lại bác thông tin trên.
Xét bề ngoài, Washington và Tehran đều không muốn cùng hợp tác quân sự để xử lý mối nguy từ ISIS. Nhưng với tư cách cá nhân, các quan chức Iran bày tỏ thiện chí muốn hợp tác với Mỹ về vấn đề ISIS, mặc dù không nhất thiết cả hai bên sẽ cùng tham trận.
Ngoại trưởng John Kerry vào Thứ Sáu (19/9) cho biết, Iran có vai trò nhất định trong tiêu diệt ISIS, ngụ ý Mỹ có thể sẽ thay đổi quan điểm. “Iran là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, có thể giúp đánh bại nhóm khủng bố ISIS…nhưng mọi việc đều phải có qua có lại….ISIS đe dọa an ninh toàn thế giới, chứ không phải chương trình hạt nhân mang tính ôn hòa của chúng tôi”, theo lời một quan chức ẩn danh của Iran.
Tehran phủ nhận cáo buộc từ phương Tây cho rằng nước này đang củng cố năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân, được ngụy trang dưới dạng chương trình điện nguyên tử dân dụng. Một quan chức Iran khác cũng nhắc lại lý lẽ này. Cả hai quan chức trên đều mong muốn Mỹ cùng các đồng minh phương Tây linh hoạt hơn để cùng thỏa thuận lâu dài về số lượng máy ly tâm mà Tehran có thể giữ và gỡ bỏ cấm vận Iran đang phải chịu do chương trình hạt nhân.
Phương Tây muốn chuyện nào ra chuyện nấy
Reuters dẫn lời các quan chức phương Tây cho biết Iran chưa hề nêu ra quan điểm này trong các cuộc đàm phán hạt nhân vừa mở lại với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc tại New York hôm Thứ Sáu (19/9).
Giới ngoại giao có mặt trong các cuộc hội đàm cho biết, khó có thể đi đến một thỏa thuận dài hạn giúp dỡ bỏ cấm vận Iran đối với chương trình hạt nhân nước này. Giới chức phương Tây nghĩ rằng, sẽ rất khó khăn để thực hiện mong muốn trên của Iran do Mỹ và các đồng minh kiên quyết thuần túy tập trung bàn riêng vấn đề hạt nhân do hạn chót là 24/11 đã gần kề.
“Chúng tôi thấy rằng khi sắp đến hồi kết của vòng đàm phán thì Iran lại cố gắng đưa thêm việc để bàn…Họ đôi lúc cũng ngụ ý rằng, nếu không giải quyết vụ hạt nhân thì các rắc rối khác trong khu vực sẽ thêm phần phức tạp. Nhóm 6 cường quốc quyết định không đưa thêm vấn đề nào vào bàn đàm phán”, quan chức ngoại giao cấp cao phương Tây cho biết.
Vòng đàm phán tại New York giữa các quan chức ngoại giao đến từ 6 cường quốc và Iran đang diễn ra bên lề hội nghị thường niên của các cấp lãnh đạo tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc.
Số lượng các máy ly tâm là điểm mấu chốt khá nan giải trong cuộc đàm phán được dự kiến kéo dài cho đến cùng lắm là ngày 26/9. Máy ly tâm là thiết bị có thể quay ở tốc độ siêu âm nhằm tăng tỉ lệ đồng vị phân hạch trong uranium. Iran tuyên bố Uranium có độ giàu thấp được dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân nhưng các nước Phương Tây lo sợ rằng Iran còn có ý định sử dụng chất này cho sản xuất bom nguyên tử nếu được tiếp tục tinh chế.
Iran hiện có hơn 19.000 máy ly tâm, nhưng chỉ 10.000 trong số này đang hoạt động. Các cường quốc muốn Iran giảm số lượng máy ly tâm đang hoạt động xuống con số vài nghìn nhằm đảm bảo nước này không thể sản xuất kịp thời uranium đủ phẩm chất để chế tạo bom nếu có mưu đồ.
Trong khi đó, Iran vẫn muốn giữ càng nhiều máy ly tâm càng tốt và đề xuất để nguyên 19.000 máy đã lắp đặt và giảm lượng máy đang vận hành. Các nước phương Tây không chấp nhận điều này.
Quan chức Mỹ cũng đồng ý kiến với phương Tây về số lượng máy ly tâm tại Iran nhằm đảm bảo hạn chế khả năng sản xuất bom nguyên tử của Tehran.
Iran cho rằng một giới hạn hà khắc như thế sẽ vi phạm quyền làm giàu của họ. Lãnh tụ tối cao Khamenei gọi đây là “lằn ranh nguy hiểm” đối với Tehran. Số máy ly tâm không chỉ là vấn đề nan giải trong vòng đàm phán. Các vấn đề khác còn bao gồm khoảng thời gian diễn ra thỏa thuận hạt nhân, lịch trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và số phận của một lò phản ứng nghiên cứu có khả năng gia tăng đáng kể lượng plutonium đủ để chế tạo bom.
Theo một thỏa thuận tạm thời vào tháng 11/2013, Iran đã dừng một số chương trình nguyên tử để đổi lấy việc gỡ bỏ phần nào các biện pháp trừng phạt. Thỏa thuận này nhằm kéo dài thời gian cho cuộc đàm phán đi đến hiệp ước toàn diện chấm dứt bế tắc đã kéo dài hàng thập kỷ với Iran và loại bỏ một nguy cơ chiến tranh khác tại Trung Đông.
Hàn Mai, Bùi Hươ[email protected]
Theo Reuters