Mạnh Vãn Châu được thả, nghị sĩ Mỹ cảnh báo Biden chớ xoa dịu ĐCSTQ
Thông qua việc thả Giám đốc Tài chính Huawei – bà Mạnh Vãn Châu, Hoa Kỳ đã đáp ứng một trong những yêu cầu quan trọng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra để cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, theo phân tích của Bloomberg, cái giá phải trả của động thái này dường như là phần thưởng cho “chính sách ngoại giao con tin” của Bắc Kinh. Các dân biểu Hoa Kỳ cảnh báo Biden không được xoa dịu ĐCSTQ.
Mạnh Vãn Châu đã bay trở về Trung Quốc từ Vancouver sau khi đạt được thỏa thuận tạm hoãn truy tố với Hoa Kỳ vào thứ Sáu (24/9). Ngay sau đó, ĐCSTQ đã trả tự do cho các công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor.
Việc giam giữ hai người Canada được cho là kết quả của “chính sách ngoại giao con tin” của ĐCSTQ nhằm đối phó với vụ án Mạnh Vãn Châu. Nhưng phía ĐCSTQ lại phủ nhận việc sử dụng “ngoại giao con tin.”
Tháng 12/2018, cảnh sát Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Châu tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Bà bị bắt với các cáo buộc: âm mưu lừa đảo ngân hàng, gian lận trong các giao dịch ngân hàng và các tội danh khác.
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã đe dọa rằng hậu quả của việc Canada không thả Mạnh Vãn Châu sẽ rất nghiêm trọng, và ngay sau đó họ đã bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Kovrig Kee và doanh nhân Spavor rồi gán cho họ tội danh “gián điệp”.
ĐCSTQ đã yêu cầu Hoa Kỳ trả tự do cho Mạnh Vãn Châu, dỡ bỏ thuế quan và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khác để đổi lấy sự hợp tác trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, hai tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã gọi điện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. ĐCSTQ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên bước bước đầu tiên để cải thiện quan hệ song phương
Bloomberg chỉ ra rằng thỏa thuận đạt được trong vụ Mạnh Vãn Châu hôm thứ sáu tuần trước tương đương với bước đi lớn nhất mà Hoa Kỳ đã thực hiện trong nhiều năm nhằm xoa dịu quan hệ với Bắc Kinh. Mặc dù vẫn còn một loạt vấn đề chưa được giải quyết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự hợp tác nhiều hơn hiện đã biến mất.
Bloomberg dẫn lời Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, người từng làm việc trong Quốc vụ viện ĐCSTQ: “Có những dấu hiệu cho thấy hai bên không còn muốn leo thang căng thẳng, nhưng không chắc sẽ lùi xuống… Cả hai đều đang cố gắng để giảm bớt căng thẳng. Việc này sẽ kéo dài trong thời gian dài.”
Cách tiếp cận này của chính quyền Biden đã bị một số thành viên Quốc hội lên án. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ bang Tennessee, cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Bill Hagerty đã tweet lên án Biden vì đã “xoa dịu” khi đối mặt với “chính sách ngoại giao con tin” của ĐCSTQ. Ông nói rằng Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cần có lập trường rõ ràng về mối đe dọa trong trao đổi kinh tế với ĐCSTQ. Giờ đây, trong bối cảnh ngoại giao con tin giữa ĐCSTQ và các đồng minh (Mỹ), thì Bộ Tư pháp Mỹ lại đáp ứng điều kiện của ĐCSTQ là thả giám đốc điều hành của Huawei, điều này có vẻ như Biden đang xoa dịu ĐCSTQ.
“Huawei là một công ty hiếu chiến và săn mồi. Nó được sự hậu thuẫn của ĐCSTQ. Nhưng hôm nay chúng ta đã từ bỏ con bài để mặc cả này”, Hagerty nói với Reuters.
Thượng nghị sĩ liên bang Marco Rubio cho biết hôm thứ bảy rằng, việc thả Mạnh Vãn Châu đã làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng và sự sẵn sàng của Biden để đối đầu với Huawei và ĐCSTQ.
Ông Rubio kêu gọi chính quyền Biden khẩn cấp thông báo trước Quốc hội về vấn đề này. “Chúng ta thấy rằng chính phủ đang đặc biệt tập trung vào các vấn đề khí hậu, mà phớt lờ các tội ác diệt chủng. Đây chẳng qua là cách mềm mỏng khác để chính quyền Biden tiếp cận với Bắc Kinh”, nghị sĩ Rubio nói với Reuters.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton cũng nói trên Twitter: “Tuần này, chính quyền Biden nối lại chính sách xoa dịu với ĐCSTQ. Đây là một chiến lược đã thất bại trong nhiều thập kỷ.” Ông Cotton trích dẫn 4 điểm sau:
1) Biden từ chối đề cập đến ĐCSTQ trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ.
2) Bộ trưởng Bộ Thương mại của chính quyền Biden nói về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ kinh doanh với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc.
3) Chính quyền này đang đầu hàng trước chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc (ĐCSTQ) và từ bỏ các cáo buộc hình sự đối với một giám đốc điều hành Huawei hiện đang bị giam giữ ở Canada.
4) Có lẽ điều làm người ta khiếp sợ nhất chính là (Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ) John Kerry dường như đã thuyết phục chính phủ (Hoa Kỳ) phớt lờ tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ để đổi lấy lời hứa mơ hồ về hợp tác trong biến đổi khí hậu.
Ngày 24/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blincoln đã phát biểu về việc ĐCSTQ thả hai công dân Canada như sau: chính phủ Hoa Kỳ đứng về phía cộng đồng quốc tế và hoan nghênh quyết định của chính quyền Trung Quốc vì đã trả tự do cho 2 công dân Canada là Kovrig và Spavor, những người đã bị giam giữ bất hợp pháp hơn hai năm rưỡi. “Chúng tôi rất vui vì họ đã trở về Canada.”
Tử Vi (Theo Epoch Times)