Phát hiện tranh tường cổ tại di tích Pachacamac ở Peru
Các nhà khảo cổ học Bỉ vừa phát hiện ra một ngôi đền cổ được trang trí bằng những bức tranh tường nhiều màu cùng những đồ thờ cúng quý giá phủ đầy trên nền đất thô của di tích Pachacamac từ thời tiền Colombo. Ngôi đền này cách thủ đô Lima (Peru) 25km về phía Nam. Nhóm chuyên gia khảo cổ Đại học Free University (ULB) của Bỉ cho biết từ năm 1938 đến nay, chưa có bất kỳ một bức tranh tường nào được phát hiện tại Pachacamac, khu quần thể khảo cổ rộng 465ha, nơi quy tụ các nền văn minh lima, wari, ichma, inca, và cũng là nơi các thủ lĩnh từng tổ chức những nghi lễ thỉnh cầu các đấng tiên tri về nhiều vấn đề quan trọng.
Ngoài việc xác định được một vài hình tượng trang trí trên những bức tranh tường độc đáo nói trên, các nhà khảo cổ Bỉ còn đưa ra giả thuyết rằng động đất đã khiến những “kiệt tác”với từng lớp màu vàng, đỏ, đen, trắng, xanh nước biển và xanh lá cây này mất dần đi sự liên kết chặt chẽ. Cũng theo các nhà khảo cổ, nhiều vật tế quý giá phủ trên nền đất và hành lang khu thánh địa Pachacamac có xuất xứ từ nhiều vùng khác nhau của dãy núi Andes. Những đồ vật đó được trang trí với các chất liệu đặc biệt như lông vẹt Amazon, đá đen lấy từ núi, vỏ sò của Ecuador, khảm xà cừ hay đồ sứ Inca. Ngoài ra, trong đợt khai quật này còn phát hiện được những hạt thủy tinh mang phong cách thuộc địa nằm lẫn trong các đồ thờ, cùng nhiều lăng mộ được cho là của “giới thượng lưu”. Các chuyên gia Bỉ nhận định sự hiện diện của nhiều đồ vật trên không chỉ minh chứng cho việc dâng nhiều đồ tế lễ mỗi dịp thực hiện các nghi lễ cũng bái tại đền thờ vào giai đoạn trước năm 1533, mà còn góp phần khẳng định di tích Pachacamac là một “trung tâm hành hương” dưới thời Đế chế Inca. |
Theo TTXVN/Vietnam+ |