Duyên dáng Việt Nam 27: ‘Giấc mơ thiên đường’ Đà Nẵng
Khó có thể tưởng tượng được Cung văn hóa, nhà thi đấu rộng lớn, hiện đại như Tiên Sơn trong tối 27.3 đã hóa thành một cung Tiên Sa lộng lẫy, rực rỡ. Và những gì đẹp, mới nhất của nghệ thuật ca múa, trình diễn tạp kỹ đương đại, những tên tuổi “men đá vàng” thanh sắc bền lòng trước thử thách dòng chảy năm tháng trong ngoài nước, những đứa con nghệ sĩ tài hoa của quê hương Quảng Nam từ khắp nơi đã hội tụ tối “khai cuộc” Duyên dáng Việt Nam 27…
Trước sáu giờ tối, dòng người liên tục đổ về cung Tiên Sơn. Một Thế Giới quan sát, nhận thấy rất nhiều nhiều cặp đôi đến và gửi xe rất sớm. Hỏi, thì ra đó là các bạn trẻ đi từ Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn, Vĩnh Điện… nghe Duyên dáng Việt Nam về diễn ở Đà Nẵng đã tranh thủ tới sớm. -“Tôi chỉ biết DDVN qua băng, dĩa” – Phú, quê ở Đại Lộc, đang học trường văn hóa tại Đã Nẵng nói: “Đây là chương trình nghệ thuật duy nhất đẳng cấp và sang trọng và tối nay DDVN có nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước và nước ngoài nên tôi không thể bỏ qua…”
Chương trình mở đầu bằng ca khúc Cô du kích Đà Nẵng của nhạc sĩ Thanh Anh. Ca sĩ Phi Thúy Hạnh đã làm khán giả ồ lên thích thú khi cô “bí mật” xuất hiện từ trên khán đài cao vừa hát vừa đi xuống. Vai đeo súng. Hình ảnh cô du kích Đà Nẵng oanh liệt một thời được tái hiện không chỉ thực mà còn vang dội qua lịch sử bằng những tấm ảnh chắt lọc trong hàng nghìn tấm ảnh tư liệu kháng chiến của người Đà Nẵng. “Bạn gái bảo em là dũng sĩ/ Em chỉ cười chưa biết nói chi/ Em ra đi với những ước mơ/ Mùa xuân đã tới…”. Bài hát làm mọi người xúc động khi nhớ đến nữ anh hùng Trần Thị Lý quê Quảng Nam từng bị Mỹ ngụy bắt và tra tấn sau đó đã đi vào lịch sử người Việt yêu nước qua những câu thơ khải hoàn mà cũng bi tráng của nhà thơ Tố Hữu “Em là ai cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay là không có tuổi/ Mái tóc em hay là mây là suối/ Đôi mắt em nhìn hay chớp lử đêm đông/ Thịt da em là thép hay đồng?Cũng cần nói thêm với hiệu quả đắt dụng của màn hình và kỹ thuật hiện đại phóng chiếu, những bức ảnh tái hiện âm vang sử thi của cuộc chiến tranh chưa xa, chiều sâu tâm hồn và khí phách của một dân tộc. Ngay ca khúc mở đầu đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Với sự dẫn dắt chuyên nghiệp của MC Thanh Bạch, khi cảm xúc của khan giả còn chưa lắng xuống với họng súng khạc lửa – bắn bằng lửa pháo bông” trên tay Phi Thúy Hạnh thì ca sĩ Ánh Tuyết đưa người xem về với bài hát bất hủ Xuân vả Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Người nhạc sĩ tài hoa, tham gia chống phát xít Nhật bị bắn chết năm 25 tuổi, đã để lại cho đời một tuyệt khúc qua năm tháng. Dường như có sự đồng cảm sâu sắc của ca sĩ và nhạc sĩ – khi cả hai đều sinh ra và lớn lên ở đô thị cổ Hội An nên “thổn thức tình mê đắm”.
Tiết mục thời trang Thuận Việt gây chú ý khi MC giới thiệu bộ sưu tập áo dài mới với những họa tiết cơ bản,độc đáo như “vân đá” đá Ngũ Hành Sơn. Qua cách nhìn và cách điệu của nhà tạo mẫu tài hoa, bộ thời trang mang tên Thạch anh tím. Ngọc trong đá khó ai biết đã đành mà ngọc ngoài đá cũng phải gọi tên và chau chuốt mới biết! Các người đẹp như Hoa hậu hoàn vũ 2008, người mẫu trang phục dân tộc đẹp nhất Siêu quốc gia 2009, Hoa hậu hoàn vũ… tạo ấn tượng cho Thuận Việt lần này.
Văn Mai Hương, Hồ Trung Dũng, Uyên Linh, Phương Vy, Thu Minh… như đại diện được cho những khán giả trẻ trung, đầy lửa, phá hết mọi khoảng cách, nứt hết mọi cảm giác. Các ca khúc “Nếu có yêu tôi (Nguyễn Đức Duy), Đừng ngồi trong góc tối (Võ Thiện Thanh), Vẫn trông tình (Dũng Đà Lạt), Bay (Nguyện Hải Phong)… được nhạc sị Đức Trí phối lại từ những bản phối “dày công” mang đến cảm hứng “tuýt”, sảng khoái cho người nghe. Cũng phải ghi nhận các hoạt cảnh dàn dựng khá công phu và tinh tế như cho những vũ công đi trên những “cà khoeo” cao trên 50 hay 1 mét và vỗ tay đối xứng với một sân khấu lớn và hoàng tráng như thêm thêu những điểm nhấn, những độc đáo chưa từng thấy ở các chương trình trước đó.
Phải ghi nhận rất nhiều ý tưởng tìm tòi mới của nhà thiết kế sân khấu tài hoa Nguyễn Trọng Dũng. Ở DDVN 27 lần này, anh đã đưa ra nhiều thể nghiệm trên video graphic và đặc biệt là cá bay trên nền nhạc. Biến sân khấu hoành tráng thành một biển hồ đại dương. Cá bay bơm khí Helian và được điều khiển bằng song radio. Họa sĩ đồ họa vi tính ngước ngoài nổi tiếng Fernando Toma là một cộng sự đắc lực của anh trong các bức tranh trình hiện dân gian, thôn nữ, làng quê ấu thơ… khiến khan giả trầm trồ tán thưởng.
Cái hay của Duyên dáng Việt Nam 27 còn ở cách “thu phục nhân tâm” người thưởng thức ở góc độ càng xem càng hay, càng lúc càng cao trào của các tiết mục. Nói như nhận xét của một khán giả “không thể đi… WC được!”. Phần hai với giới thiệu hai clip Arabeque của đạo diện Tấn Lộc và , À Ố của đạo diễn Tuấn Lê. Nếu Arabeque chuyên nghiệp, đắc dụng thì À Ốlà những tiết mục nghệ thuật gây tranh cãi ”xuyên biên giới” khi Tuấn Lê đưa À Ố ra với khán giả ở Mỹ, Pháp… và nhiều nước khác. Bằng những phát hiện của một đạo diễn trẻ tài năng, anh là người đầu tiên đưa những vật dụng, chất liệu dân gian quen thuộc thô sơ, dân dã… phút chốc trở nên táo bạo và hiện đại. Vì những chiếc thuyền thúng, tre Việt Nam, quang gánh… lên sân khấu. Với những vũ đạo khó, khổ luyện và công phu vở diễn như tái hiện một đời sống ngư thuyền, bám biển “hồn treo cột buồm” của người dân biển Quảng Nam.
Ca khúc nổi tiếng Tiếng dân chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua tiếng hát Đức Tuấn tiếp nối cái mạch song gió hào sảng ấy! Với âm vực khỏe, rộng “thấy đời nhọc nhằn mà vui” bài hát như “hội trùng dương” của riêng Đức Tuấn. Cách thể hiện của anh thoát qua khỏi những cái bóng trước đây khi từng hát về bài này. Hoạt cảnh minh họa dễ gợi nhớ những xóm nhà chồi một thồi Thanh Khê, Thọ Quang, Mân Thái….
Danh ca Elvis Phương trở lại với DDVN lần này với Về đây nghe em nhạc Trần Quang Lộc phổ thơ A khuê. Giọng ca của anh vẫn “đỉnh” và như một thách thức khó vượt qua đối với nghề ca sĩ. Và ca Cẩm Vân cũng không thua kém, hay như một so sánh về một giọng opera nữ qua Thu hát cho người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Quang Linh sầu xứ miền Trung, như cá gặp nước với Ngày xưa lên năm lên ba của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Vũ đạo minh họa bất ngờ lóe sáng với những pha khó như ném dĩa đuổi bắt rất lành nghề. Hai ca sĩ Chế Linh và ca sĩ Lệ Quyên đơn ca và song ca tình tứ, ăn ý trong những bản nhạc bolero Nừa đêm ngoài phố, Đừng nói xa nhau, Qua cơn mê của Nhật Ngân, Châu Kỳ, Trúc Phương. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phong độ với liên khúc Tình em xứ Quảng, Tình biển. Anh vẫn độc sáng sân khấu với những mảng miếng của riêng mình khó ca sĩ nào bắt chước được.
Tiết mục cuối cùng của chương trình Đà Nẵng giấc mơ thiên đường của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đã thực bất ngờ và dậy sóng tình yêu. Trước hết, không ai nghĩ trong số phận của người nhạc sĩ tài hoa, lại bùng cháy một ngọn lửa nghệ thuật sâu như thế, vượt lên mọi nghịch cảnh như thế! Và khi tất cả mọi nghệ sĩ cùng xuất hiện bên anh, cùng hát với anh sân khấu DDVN 27 đã khép lại với nhiều luyến tiếc từ người xem.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn cho Một Thế giới biết: -“DDVN là chương trình lớn và có ca khúc được ban tổ chức cho chọn trình diễn tôi rất vui. Chỉ ước giá vé nếu thấp hơn để cho càng có nhiều bà con đi xem, Vì tôi biết thương hiệu DDVN bây giờ gần gũi với khan giả và công chúng Đà Nẵng lắm!… ”
Gần hơn Đà Nẵng và ấm áp Đà Nẵng. Chia sẻ những tấm lòng, những tình yêu. Trong tình yêu hẹn ước một lần và nhiều lần nữa sẽ quay về. Với Duyên dáng Việt Nam đặc sắc, tại sao không?
Hẹn nhé, tình yêu hay một chữ Tình với âm nhạc, nghệ thuật Đà Nẵng, ngày trở lại!…
Ảnh: Nguyên Trương
Theo Motthegioi