Kỳ lạ: Cây biết “nói chuyện” và “gửi tin nhắn
Thực vật có khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau để sinh tồn theo những “ngôn ngữ” đặc biệt mà con người không hề có như tiết hóa chất vào không khí, gửi tín hiệu qua côn trùng…
Đó là kết luận của rất nhiều nghiên cứu khoa học bắt đầu từ những năm 1980 với hai nghiên cứu được xuất bản năm 1983. Hai nghiên cứu này đã chứng minh cây liễu, cây dương và cây phong đường có thể “cảnh báo” cho nhau về các cuộc tấn công của côn trùng.
Chúng giao tiếp với nhau bằng cách tiết ra những hóa chất để đẩy lùi các con côn trùng. Những cây còn lại nhờ vậy mà có thể biết được tình trạng của các cây bên cạnh để phản ứng lại tương tự. Như thế giao tiếp của các loài cây không khác gì với quá trình gửi, nhận và giải thích tin nhắn ở con người.
Lập tức những phân tích này bị chỉ trích. Nhưng hàng loạt nghiên cứu nghiêm túc sau đấy đã kiểm nghiệm lại. Thậm chí một số nghiên cứu còn xác nhận cây cối có thể phát hiện tín hiệu trong không khí bằng cách tiết hóa chất hoặc thông qua cơ thể của loài vật thứ ba. Nhà sinh thái học Martin Heil tại Viện Nghiên cứu Mexico cho biết, “có những bằng chứng khẳng định cây có thể cảm nhận được các chất dễ bay hơi để có thể hình thành phản ứng thích hợp với đồng loại của nó”.
Tiếp theo đấy nghiên cứu về cây ngải đắng bụi của Đại học bang Washington năm 1990 cho thấy, cây bụi này sản xuất ra một lượng hóa chất hữu cơ methyl jasmonate trong không khí có thể chống côn trùng ăn cỏ. Chất này được phóng ra không khí như để cảnh báo các cây lân cận có nguy hiểm.
Thí nghiệm ở cây đậu, cà chua còn phát hiện những cây thực vật này tạo ra chất ức chế proteinase làm vỡ hệ tiêu hóa của sâu bọ. Thậm chí khi cắt bớt lá cây bụi cây ngải đắng để bắt chước những vết thương tương tự như sâu răng nhọn ăn lá gây ra thì các cây này cũng sản xuất methyl jasmonate và các hóa chất khác trong không khí khiến các cây thuốc lá ở gần đó cũng tiets ra chất oxidase enzyme polyphenol để phòng thủ.
Tuy còn nhiều tranh cãi trong quan niệm về khả năng “nói chuyện”, “giao tiếp” của thực vật theo cách hiểu ngôn ngữ như của con người nhưng điều đáng nói ở chỗ: Khả năng thực vật thường xuyên chia sẻ thông tin với nhau có thể đem lại ý nghĩa nâng cao sức đề kháng sâu bệnh cho cây trồng. Người nông nhờ đó có thể chủ động tác động vào cây trồng để tạo ra phản ứng chống sâu bệnh một cách tích cực.
Văn Biên (theo Wired/Danviet )