Bánh Trung Thu giá hơn nửa tỉ đồng
Theo lịch âm của Trung Quốc, ngày 19/9 là Tết Trung Thu, kỳ nghỉ quan trọng thứ nhì trong năm sau Tết Nguyên Đán.
Trong lịch sử, người ta vẫn tặng nhau bánh trung thu vào dịp này nhưng tham nhũng đã khiến cho việc “tặng” quà có thêm nhiều màu sắc mới.
Một hộp bánh trung thu làm từ vây cá mập, tổ chim hay bào ngư có giá chừng 2.000 nhân dân tệ (326 đô la), còn bánh làm bằng vàng và bạc lên tới 160.000 nhân dân tệ (26.120 đô la).
Ai cũng biết không ai mua những quà tặng này cho bạn bè hay họ hàng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi nhậm chức.
Đảng Cộng sản cũng đã có nhiều chỉ thị về chuyện đảng viên không được nhận hối lộ.
Nhân dịp Trung Thu, Đảng cũng cấm dùng công quỹ để mua bánh, vốn cũng là một phần của chiến dịch hiện nay là nhằm loại bỏ tham nhũng trong chính trường và gột rửa hình ảnh của Đảng.
Vì lý do này số người mua bánh với số lượng lớn dã giảm đáng kể và hộp bánh trị giá 200 nhân dân tệ (33 đô la) là phổ biến nhất.
Theo tạp chí Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, tạp chí của Nhân Dân Nhật báo, ngành công nghiệp quà tặng ở Trung Quốc trị giá tới 800 tỷ nhân dân tệ, tức 130 tỷ đô la Mỹ, mỗi năm.
Vậy ngoài bánh Trung Thu, người ta còn tiêu tiền vào những gì nữa?
1. Rượu đắt tiền: Các loại rượu đắt tiền luôn là quà tặng phổ biến trong đó Mao Đài được chuộng nhất. Hồi năm 2011 giá rượu Mao Đài tăng tới mức nửa lít rượu có giá 2.300 nhân dân tệ (375 đô la) tại một số nơi.
2. Đồng hồ sang: Vụ một quan chức Trung Quốc bị tố tham nhũng và chịu án tù 14 năm gần đây khởi đầu từ chuyện người ta so các bức ảnh ông chụp ở những nơi khác nhau và phát hiện ra các loại đồng hồ đắt giá mà ông đeo. Một chiếc đồng hồ Vacheron Constantin có giá 100.000 nhân dân tệ ($16.320). Hồi năm 2008 một quan chức cũng bị tù 11 năm sau khi người ta thấy ông đeo loại đồng hồ nay trong khi lương hàng năm chỉ từ 40-60.000 nhân dân tệ.
3. Hàng xa xỉ: Tương tự như đồng hồ, các nhãn hiệu như Louis Vuitton, Chanel và Gucci được tầng lớp nhà giàu mới ở Trung Quốc ưa chuộng và hay được dùng làm quà biếu cho các quan chức. Theo nghiên cứu hồi năm 2012 của Bain and Company, khách hàng Trung Quốc tiêu thụ tới 25% lượng hàng xa xỉ trên thế giới và 25% các khoản tiêu này là để mua quà cho các cá nhân hay công ty.
4. Nhà và đất: Hồi tháng Tám năm 2013, một quan chức cấp quận ở Bắc Kinh đã phải hầu tòa vì nhận ba ngôi nhà trị giá ba triệu nhân dân tệ (489.700 đô la) và hơn một triệu nhân dân tệ tiền mặt. Ngoài nhà, đất cũng hãy được dùng làm quà biếu. Một nhà đầu tư bất động sản ở Hải Nam được dẫn lời nói nếu các quan chức để ông mua đất giá rẻ để ông kiếm lời 50 triệu nhân dân tệ thì ông sẵn sàng bỏ ra 20 triệu nhân dân tệ để hối lộ.
5. Tiền mặt và thẻ tín dụng: Tiền mặt vẫn là một trong những cách dễ nhất để đưa hối lộ. Tại phiên xử mới đây, ông Bạc Hy Lai bị cáo buộc nhận hơn 21 triệu nhân dân tệ (3,4 triệu đô) của hai doanh gia. Một cách khác là tặng những thẻ tín dụng đã được trả trước.
Theo BBC