Những thói quen vô tình khiến máy tính của bạn trở nên chậm đi
Bạn có biết rất nhiều những thói quen vô tình của chúng ta khiến máy tính trở nên chậm chạp đi sau một thời gian sử dụng?
Sau một thời gian sử dụng, nhiều người dùng nhận thấy máy tính chậm bất thường, thậm chí phải mất cả tiếng đồng hồ mới khởi động xong, việc xử lý các ứng dụng dù là nhỏ nhất cũng mất nhiều thời gian…. 5 nguyên nhân trong bài viết sau đây có thể là tác nhân chính gây nên điều đó. Hãy tìm hiểu để sửa lỗi máy tính chạy chậm nhé!
Chạy quá nhiều phần mềm hoặc mở quá nhiều tab
Cái này thì đương nhiên là máy tính sẽ chậm đi đáng kể, tuy nhiên nhiều khi chúng ta lại quá chăm chú vào công việc của mình mà quên mất việc đóng các app hoặc các tab trình duyệt không còn sử dụng. Việc mở quá nhiều tab trình duyệt, đặc biệt là Chrome, sẽ làm cho máy chậm đi thấy rõ dù bạn đang dùng Windows hay Mac. Ít khi nào bạn cần tới hơn 20 tab mở cùng lúc, cái nào xong thì đóng đi cho máy nó khỏe, nhất là các máy tính không quá mạnh mẽ. Chưa kể việc mở quá nhiều tab trình duyệt sẽ khiến máy hao pin hơn nữa đấy.
Cẩn thận với phần mềm miễn phí, và không phải thấy gì cũng click OK
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến máy tính chậm nữa là do phần mềm độc hại. Cụ thể nhiều người trong khi cài đặt một số phần mềm miễn phí mà trong quá trình cài đặt có chứa các checkbox (được kích hoạt theo mặc định) khiến người dùng chấp nhận cài đặt phần mềm không mong muốn trên hệ thống.
Hầu hết các ứng dụng miễn phí thường chứa quảng cáo và các nhà tiếp thị biết rằng nhiều người dùng sẽ có thói quen click vào “Yes” bất kể thứ gì trong khi cài đặt phần mềm và không cần bận tâm nội dung của nó.
Video: Những thói quen này sẽ làm hại laptop của bạn (nguồn: Mẹo vặt cuộc sống)
Thói quen ấy lại vô tình gây hại cho máy vì đôi khi bạn sẽ vô tình lỡ chấp thuận cho một phần mềm độc hại nào đó. Do vậy, trước khi định cài đặt phần mềm miễn phí trên Internet, hãy tìm hiểu xem những người dùng khác có gặp phải vấn đề gì trong khi cài đặt không. Và chỉ cài đặt phần mềm trên các trang tin cậy, chú ý đến từng thiết lập trong quá trình cài đặt. Và tất nhiên luôn chạy phần mềm diệt virus thường xuyên.
Hoặc có trường hợp chúng ta hay click “OK” bừa bãi khi thấy thông báo của một số các trang web độc hại chạy lên, dù trước đó máy tính hoặc trình duyệt đã cảnh báo.
Hãy chịu khó tập thói quen đọc kĩ khi các thông báo này nhảy ra, đừng auto click OK như một thói quen vì việc này hại nhiều hơn lợi. Dù bạn dùng Windows hay Mac thì vẫn có khả năng dính malware hoặc các phần mềm mã độc dạng quảng cáo nên đừng chủ quan. Một khi bạn đã online có nghĩa là bạn đang bước vào mội môi trường đầy “mìn”.
Quá nhiều phần mềm tự khởi động
Khi mới cài đặt, máy tính chỉ tải những tiến trình, ứng dụng, trình điều khiển cơ bản nhất nên bạn cảm giác máy khởi động rất nhanh và nhẹ nhàng. Tuy nhiên qua thời gian, sẽ có ngày càng nhiều phần mềm được thiết lập tự chạy cùng hệ điều hành, kéo dài thời gian khởi động của máy tính.
Nếu thấy quá trình này lâu một cách bất thường, bạn có thể sử dụng một số tiện ích để vô hiệu hóa tính năng tự khởi động của các chương trình và tiến trình trong máy, từ tiện ích cơ bản trong Windows như MSConfig cho đến những phần mềm của hãng thứ ba.
Dọn dẹp máy tính
Thường thì khi ổ lưu trữ, SSD hoặc HDD, bị đầy thì máy tính sẽ chạy chậm đi thấy rõ do hệ điều hành không thể lưu các file tạm cần thiết. Chúng phải mất nhiều thời gian (và tài nguyên) để xóa các file tạm khác nên máy mới chạy chậm. Thỉnh thoảng nhớ kiểm tra xem dung lượng ổ lưu trữ có dữ liệu nào không quan trọng hoặc không cần thiết thì hãy xóa nó để có thể tăng tốc cho máy tính. Nếu còn ít quá (tầm dưới 15GB) thì bắt đầu dọn dẹp là vừa.
Một lưu ý rằng nhiều người có quen thói quen lưu trữ dữ liệu vào ổ C – ổ chứa hệ thống. Đây không phải là một thói quen tốt nếu bạn không muốn máy bạn đã chậm thì lại càng chạy chậm hơn. Vì khi ổ C càng đầy nhanh, thì tốc độ xử lý của máy càng chậm hơn so với việc để khoảng không gian lớn cho ổ C.
Máy tính chậm hay mạng chậm?
Nghe thì có vẻ rất vớ vẩn nhưng bản thân mình và cả những người xung quanh nhiều khi tưởng máy tính chậm trong khi thực chất vấn đề nằm ở Internet. Mạng chậm khiến các ứng dụng chat chậm gửi tin nhắn, trình duyệt load lâu, các tiến trình download phải mất nhiều thời gian hơn, các đoạn script chạy cho công việc đứng mãi… Trong đa số trường hợp mà bạn thấy công việc của mình bị chậm lại thì kiểm tra thử đường truyền Internet xem sao nhé.
Coi chừng máy bạn đang quá nóng
Khi sử dụng máy tính, một điều tất nhiên là máy sẽ tỏa ra hơi nóng phụ thuộc vào bạn dùng nhiều hay ít tác vụ. Thường thì việc này bắt nguồn từ những ứng dụng nặng đang tiêu tốn tài nguyên và khiến CPU, GPU phải xử lý nhiều. Bạn coi cái nào không cần thì tắt bớt đi, còn app nào vẫn đang sử dụng thì không sao.
Ngoài ra máy tính sẽ hoạt động chậm hơn rất nhiều nếu tản nhiệt không tốt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất của máy mà còn làm giảm tuổi thọ của chúng, mà như thế thì máy bạn sẽ nhanh trở thành máy cũ hơn so với những máy có tản nhiệt tốt.
Một số lưu ý khiến máy nóng người dùng thường mắc phải như: bạn đang ngồi trong môi trường nóng, hoặc bạn đang vô tình che mất khe tản nhiệt của máy tính mà không biết. Ví dụ, khi bạn dùng laptop trên giường thì khe tản nhiệt bị giường che lại nên tản nhiệt kém hơn, máy nóng hơn. Một số laptop tản nhiệt ra phía sau mà lại để quá sát tường cũng làm giảm hiệu quả làm mát của thiết bị.
Điều bạn cần làm ở đây là cố gắng phân tán sự tỏa nhiệt của máy bằng cách nâng cấp bộ phận tản nhiệt của case máy tính bàn, sử dụng đế tản nhiệt đối với laptop để làm mát cho máy hơn.
Anh Thư (t/h)