Hồng Lâu Mộng: Ba lần ngoái đầu lại, kết một mối kỳ duyên
Có một nhân vật được coi là mờ nhạt trong “Hồng Lâu Mộng”, nhưng lại là người may mắn nhất, ba lần quay đầu lại nhìn liền có được mối nhân duyên.
Ba lần quay đầu lại, kết một mối kỳ duyên
Có một lần Giả Vũ Thôn đến thư phòng của Chân Sĩ Ẩn tán gẫu cho qua ngày, nhưng vì lúc đó, Chân Sĩ Ẩn có khách đến chơi nên chỉ có một mình Giả Vũ Thôn ở trong phòng.
Giả Vũ Thôn buồn chán ở trong thư phòng lật giờ cổ thư chờ Chân Sĩ Ẩn. Lúc này xung quanh lặng ngắt như tờ. Bỗng nhiên từ vườn hoa vẳng lại tiếng ho của một cô gái, phá tan bầu không khí tịch mịch.
Không biết tại sao, có lẽ là tiếng ho của nha hoàn này dường như có chút yêu kiều yểu điệu, kích thích trí tò mò của Giả Vũ Thôn, nên chàng ta đã ló đầu qua cửa sổ nhìn, thì thấy một nha hoàn xinh đẹp phi phàm đang đứng hái hoa trong vườn.
Giả Vũ Thôn chăm chú ngắm nhìn, nha hoàn đó diện mạo thoát tục, mặt mày sáng sủa, mặc dù không đến nỗi tuyệt sắc, nhưng lại lôi cuốn động lòng người.
Giả Vũ Thôn ngây ngốc ngắm nhìn nha hoàn rất lâu, nha hoàn cũng phát hiện ra nam nhân kia đang nhìn chằm chằm mình nên có chút bối rối. Vì tò mò nên trước khi rời đi nàng quay phắt đầu lại, để xem rốt cuộc nam nhân nhìn mình trông như thế nào.
Tiểu nha đầu này xem tướng cũng khá giỏi, nàng thấy diện mạo của Giả Vũ Thôn đầy mê lực, eo lưng đầy đặn và tròn trịa, mặt rắn rỏi, miệng vuông, mày như lưỡi kiếm, mắt tinh anh, mũi thẳng má góc cạnh, tướng mặt mang những nét cao quý điển hình.
Tiểu nha đầu xấu hổ vội vàng quay người né tránh, chuẩn bị rời đi…
Điều chẳng ngờ là, khoảnh khắc mà tiểu nha hoàn chuẩn bị rời đi, nàng lại như bị ma xui quỷ khiến “không kìm được mà quay đầu lại nhìn thêm hai lần nữa”.
Tình cảnh đó cũng thẹn thùng giàu chất thơ giống như những câu thơ mà Lý Thanh Chiếu viết: “Thẹn chạy vào, dựa cửa ngoái đầu, lại ngửi cành mai nhỏ”.
Có lẽ nha đầu không biết rằng, ba lần vô tình ngoái đầu lại nhìn, đã khiến cho nam nhân khôi ngô tuấn tú đang nhìn trộm nàng phải rung động.
Quả là: “Lần đầu ngoảnh lại hồn ta bay mất, lần hai ngoảnh lại mạng ta chẳng còn, lần ba ngoảnh lại ta thề không lấy được nàng làm thê tử quyết không cam lòng”. Nha hoàn này chính là Kiều Hạnh.
Kiều Hạnh có phúc, sau khi kết hôn vận may thăng hoa
Kiều Hạnh – cái tên nói lên con người, Kiều Hạnh quả thực là “số đỏ”, vô cùng may mắn, nàng không biết rằng nam nhân nhìn trộm mình, chỉ vì ba lần vô tình ngoái đầu lại mà tâm trí đã bị mê hoặc, và coi nàng là “anh hào kiệt xuất, tri kỷ trong phong trần”.
Chàng ngày nhớ đêm mong, đến tết Trung thu còn viết một bài thơ tình để bộc bạch tiếng lòng: “Nếu như ánh trăng có ý kết duyên, vậy thì hãy giúp ta chăm sóc cho mỹ nhân mà ta yêu thương ở nơi khuê lầu đó, giúp truyền đạt tình ý của ta với nàng. Nếu như ta có thể đến kinh thành thi đậu rồi làm quan to, vậy thì việc đầu tiên ta làm đó chính là lấy nàng làm thê tử”.
Sau đó, Giả Vũ Thôn dưới sự giúp đỡ của Chân Sĩ Ẩn đã đến kinh thành ứng thí và đỗ tiến sĩ. Ngay lúc trở về làm Huyện thái gia, Giả Vũ Thôn lập tức đến nhà Chân Sĩ Ẩn đón Kiều Hạnh về làm thê tử.
Vận may của Kiều Hạnh vẫn chưa kết thúc, sau khi lấy Giả Vũ Thôn, vận mệnh lại “ưu ái” nàng thêm 2 lần nữa. Đầu tiên là sau khi lấy Giả Vũ Thôn, trong vòng một năm đã sinh cho Giả Vũ Thôn một tiểu tử bụ bẫm, tiếp theo là nửa năm sau, chính thất (vợ cả) của Giả Vũ Thôn mắc bệnh qua đời, Giả Vũ Thôn liền để Kiều Hạnh làm chính thất phu nhân.
Thử nghĩ mà xem, những nhân vật như Vưu Nhị Thư, Thu Đồng… lao tâm khổ tứ mà vẫn không thực hiện được mộng tưởng chờ Vương Hy Phượng chết để làm chính thất, còn cuộc đời của Tập Nhân, Tình Văn… để có được sự yêu chiều phải đổ bao công sức.
So sánh mà nói, nhân vật Kiều Hạnh chẳng tốn một công một sức nào, chỉ dựa vào ba lần ngoái đầu nhìn lại đã làm điên đảo một đấng anh hào, búng tay một cái là có được tiền đồ tươi sáng bày ra trước mắt. Có thể nói Kiều Hạnh là cô gái may mắn nhất trong “Hồng Lâu Mộng”.
Giả Vũ Thôn cũng là một người “gặp may”, có câu nói rằng: “Vật họp theo loài, người chia theo bầy”, hai người cực kỳ may mắn này kết hợp lại với nhau, nhất định là sẽ có một cuộc sống hôn nhân vợ chồng tôn kính, đối đãi nhau như khách quý.
Nhà văn Cổ Long từng viết trong tác phẩm “Đại nhân vật”: “Những nữ nhân có nụ cười ngọt ngào, chắc chắn vận khí sau này sẽ rất tốt”. Lời ông nói chính là ám chỉ những cô gái như Kiều Hạnh vậy.
Tuệ Tâm biên dịch
Xem thêm: