Chuyện về tên sát nhân “hoang tưởng” gây chấn động nước Đức
Chỉ trong khoảng 15 phút ngắn ngủi, Walter Seifert đã gây ra thảm sát chấn động nước Đức vào thập niên 60 vì “không thể chịu đựng thêm cuộc sống quá bất công”… Cách nhìn cuộc sống tiêu cực của Walter Seifert đã biến y thành kẻ sát nhân đáng sợ và bị xã hội lên án…
Hồ sơ và biến động cuộc đời
Walter Seifert sinh ngày 19/6/1921 tại Bickendorf (Cologne, Đức). Năm 1941, Seifert nhập ngũ và được đào tạo về kỹ thuật vũ khí của Không quân Đức Quốc Xã, sau đó tham gia vào Chiến tranh thế giới II rồi bị bắt giam.
Được thả tự do sau khi chiến tranh kết thúc, Seifert trở về làm việc cho một nhà máy sản xuất ô tô trước khi gia nhập vào Đội cảnh sát an ninh của Đức vào tháng 11/1945. Không lâu sau đó, Seifert phát hiện mình mắc bệnh lao phổi.
Căn bệnh hành hạ khiến sức khỏe ngày càng kém đi, cuối cùng Seifert bị sa thải vào cuối năm 1946. Bị mất việc làm, Seifert vô cùng bức xúc và cảm thấy bất công.
Chân dung của Walter Seifert.
Seifert cho rằng, nhà nước đã đối đãi hoàn toàn không xứng đáng với những gì Seifert cống hiến trong suốt nhiều năm qua. Seifert đã đấu tranh để xin được nhận trợ cấp hậu chiến tranh nhưng không được đáp ứng.
Cuối năm 1954, Seifert đi kiểm tra sức khỏe và các bác sĩ đã chẩn đoán ông bị mắc bệnh tâm thần, khuyên Seifert nên đến viện điều trị. Seifert càng kích động hơn, sau đó liền viết một lá thư phản đối, gọi đó là một “xã hội giết người”.
Bác sĩ khám cho Seifert kết luận rằng, ông bị mắc chứng tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng. Nhưng họ không thấy bất kì hành vi bạo lực hay gây nguy hiểm nào cả nên quyết định Seifert không cần phải nhập viện.
Trong khoảng thời gian đó, những khó khăn mà Seifert phải trải qua đã dần biến y thành một người khác…Tuy vậy, đến năm 34 tuổi, Seifert chính thức có người bạn đời – Renata Urszula. Nhưng quãng đời lặng gió chỉ kéo dài chưa đầy 6 năm, vào ngày 11/2/1961, vợ Seifert qua đời vì sinh non. Tất cả dường như đã hoàn toàn sụp đổ.
Seifert đổ lỗi cho bác sĩ về cái chết của vợ ông. Seifert viết một lá thư dài 120 trang để lên án các bác sĩ và hệ thống y tế, gửi cho các cơ quan, bác sĩ, các nhà dược phẩm… Trong đó, Seifert cố gắng chỉ ra những sai sót dẫn đến cái chết của vợ mình và gọi các bác sĩ là “những tên giết người hàng loạt đối với người nghèo”.
Một đoạn bức thư viết sau khi vợ Seifert mất.
Sự ra đi của người vợ như giọt nước tràn ly, Seifert từ một kẻ bị số phận trêu đùa biến thành một con quỷ thực sự, vô cảm và sống tiếp vì một mục đích duy nhất – “trả thù đời”.
Vụ thảm sát kinh hoàng…
Seifert bắt tay vào chế tạo vũ khí – bước đầu của kế hoạch trả thù. Từ những gì học được trong quãng thời gian làm thợ cơ khí và binh sĩ kỹ thuật, ông ta tạo ra một cây thương dài với mũi nhọn là cái nạo hình tam giác, một cây gậy là một đoạn khung của chiếc máy bơm và đặc biệt, súng phun lửa được làm từ máy phun thuốc trừ sâu, nhiên liệu là hỗn hợp dầu và sơn pha loãng.
Tất cả vũ khí đã được chuẩn bị cũng như kế hoạch thảm sát được vạch ra rõ ràng. Nhưng điều kỳ lạ là, mục tiêu của ông lại là trường học với những đứa trẻ vô tội.
Các vũ khí Seifert đã sử dụng để tiến hành cuộc thảm sát.
Vào 9h ngày 11/6/1964, Seifert tiếp cận sân trường tiểu học Công giáo tại Volkhovener Weg 209-211 với những vũ khí tự chế. Trường bao gồm một tòa nhà chính và 4 dãy phòng bằng gỗ, có tất cả 8 giáo viên và 380 học sinh.
Khi Seifert vào trường qua cái cổng nhỏ, ông ta đã bị 3 bảo vệ bắt gặp, nhưng trớ trêu thay, họ lại tưởng ông ta là thợ đang sửa cổng nên hoàn toàn không nghi ngờ.
Sơ đồ quá trình diễn ra vụ thảm sát.
Seifert nhanh chóng chặn cái cổng bằng cái thanh gỗ và đi vào sân trường, nơi cô giáo Langhor đang dạy thể dục cho một nhóm nữ sinh. Khi thấy Seifert tiến lại gần, Langhor hỏi ông có cần giúp đỡ gì không, y chẳng nói chẳng rằng, lạnh lùng chĩa súng, phun lửa vào cô giáo và các nữ sinh.
Cảnh tượng đáng sợ diễn ra, Seifert tiếp tục đến các lớp học, dùng gậy đập vỡ cửa và thiêu cháy cả phòng học cùng học sinh, giáo viên trong đó. Do phòng học bằng gỗ nên lửa bắt rất nhanh, tất cả chìm trong ngọn lửa thù hận của Seifert. Được 2 phòng thì hết nhiên liệu, y ném nó đi và sử dụng cây thương để tiếp tục tội ác.
Bên trong một lớp học bị thiêu trụi.
Bắt gặp giáo viên Gertrud Bollenrath chạy trên sân trường, Seifert liền lao tới và cắm cây thương vào ngực cô. Chưa kết thúc ở đó, tên giết người này lại chạy đến nơi 2 giáo viên khác là Ursula Kuhr và Kunz giảng dạy. Hai người phụ nữ đã cố hết sức giữ chặt cánh cửa để bảo vệ học sinh, nhưng vẫn không thắng nổi con quỷ sục sôi thù hận mất lý trí.
Cô giáo Kuhr mất thăng bằng và ngã xuống cầu thang, Seifert đã kết liễu cô bằng hai nhát đâm ở hai đầu gối và một nhát ở ngực. Sau đó, ông ta nhanh chóng bỏ chạy khỏi trường học và uống E605 – một loại thuốc trừ sâu để tự tử. Seifert đã chuẩn bị luôn cả cái chết của chính mình. Nhưng thuốc độc pha hơi loãng nên chưa đủ để làm tên giết người chết ngay tức khắc.
Cảnh tượng trong và ngoài phòng học sau vụ việc xảy ra.
Seifert bị dồn vào đường cùng khi bị một toán người đuổi theo, dù đã cố chống cự nhưng vẫn không thoát được. Lúc 9h38′, Seifert bị cảnh sát bắt và đưa đến bệnh viện ĐH Lindenthal để rửa ruột. Seifert bị thẩm vấn nhiều lần trước khi ngừng thở vào 20h35′ ngày 11/6/1964.
Hình ảnh cô giáo Ursula Kuhr xấu số.
Cuộc thảm sát kéo dài 15 phút. Cô giáo Kuhr đã chết tại hiện trường, còn cô Bollenrath đã qua đời vì vết thương quá nặng ở bệnh viện. Hai giáo viên còn lại và 28 học sinh được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhiều người trong số họ bỏng hơn 90% cơ thể. Những ngày sau đó, 8 học sinh đã qua đời.
Vụ án đã gây chấn động cả nước Đức một thời gian dài. Sau vụ việc thương tâm đó, nhiều câu hỏi được đặt ra cho xã hội Đức lúc bấy giờ, mỗi người một ý kiến nhưng tất cả đều mong sẽ không có thêm một vụ thảm sát nào tương tự xảy ra nữa.
(kenh14.vn)