Những pha trùng hợp “như phim” trong lịch sử
Hầu như ai cũng có lúc gặp những điều trùng hợp kỳ lạ trong cuộc sống, như vô tình gặp bạn cũ lúc đi du lịch hoặc phát hiện vợ mình lúc trước đã học chung trường với mình… Trong lịch sử cũng có một số sự kiện trùng hợp đặc biệt kỳ lạ đến mức khó tin, nhưng chúng đều rất chân thật. Dưới đây là một vài câu chuyện như vậy.
Lời nguyền của Thiếp Mộc Nhi
Thiếp Mộc Nhi còn được biết đến là Tamerlane hay Amir Timur. Ông là nhà lãnh đạo quân sự người Đột Huyết – Mông Cổ, cũng là người sáng lập Đế quốc Thiếp Mộc Nhi. Ông sống từ năm 1336 đến năm 1405, và cai trị đế quốc từ năm 1370 cho đến cuối đời.
Lý tưởng của Thiếp Mộc Nhi là khôi phục đế chế Mông Cổ vĩ đại của tiền nhân Thành Cát Tư Hãn qua đời hơn 100 năm trước. Ông tự xưng mình là “Thanh gươm của Hồi giáo”. Thiếp Mộc Nhi đã được an táng trong lăng mộ ở Samarkand, Uzbekistan, nhưng ngôi mộ đã bị nhà nhân chủng học người Nga Mikhail Gerasimov khai quật vào năm 1941.
Trên ngôi mộ của Thiếp Mộc Nhi có khắc dòng chữ: “Khi ta từ cõi chết trở về, thế giới sẽ lâm nguy” – và dòng chữ thứ hai được tìm thấy trên quan tài của ông là: “Bất cứ ai làm phiền nơi yên nghỉ của ta sẽ giải phóng một kẻ xâm lược khác còn khủng khiếp hơn ta”. Và điều trùng hợp ở đây khiến chúng ta phải rùng mình.
Ba ngày sau khi ngôi mộ bị khai quật, lực lượng quân đội của Adolf Hitler đã xâm chiếm Liên Xô. Cuộc xâm lược này nằm trong Chiến dịch Barbarossa, và là cuộc xâm lược quân sự quy mô nhất trong lịch sử.
Năm 1942, Thiếp Mộc Nhi được chôn cất trở lại theo nghi lễ Hồi giáo chính thống. Sau đó vài ngày, Liên Xô chiến thắng Đức trong trận Stalingrad.
Người hàng xóm từ vài thế kỷ trước
George Frideric Handel (1685-1759) là nhà soạn nhạc người Đức, ông dành phần lớn cuộc đời phát triển sự nghiệp ở London, Anh.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm các vở opera, hợp tấu organ, thánh ca và nhạc kịch tôn giáo. Trong đó tác phẩm vang danh nhất là Messiah, được sáng tác năm 1742. Handel đã sống gần 50 năm ở Anh và qua đời ở London với địa vị giàu có và được người đời kính trọng. Ông được trao tặng huân chương nhà nước chính thức và được mai táng tại Westminster Abbey.
200 năm sau đó, một lần nữa ở London có nhạc sĩ tài năng khác tên Jimi Hendrix. Hendrix sinh ra tại Seattle, bang Washington, Mỹ năm 1942. Năm 1966, ông chuyển đến London, và nhờ sự giúp đỡ của nhà sản xuất Chas Chandler, ông thành lập ban nhạc Jimi Hendrix Experience. Năm 1967, ban nhạc phát hành bài hát nổi tiếng mang tên “Purple Haze”.
Năm 1969, Hendrix quay trở lại London sau khi đi xa 6 tháng. Ông dọn đến sống ở căn hộ của bạn gái tại số 23 Brock St. Điều trùng hợp là, George Frederic Handel cũng đã từng sống ở căn hộ số 25. Hiện nay, tòa nhà này trực thuộc bảo tàng London và được mang tên Handel & Hendrix để kỷ niệm hai nhạc sĩ tài hoa.
Vài nhân vật kinh khủng nhất thế giới hẹn nhau ở Vienna?
Thành phố Vienna của Áo nổi tiếng với nền văn hóa đặc trưng, với trường dạy cưỡi ngựa Tây Ban Nha và lễ hội Carnival xa hoa. Nhưng thành phố còn được biết đến là nơi trú chân tạm thời của một vài cái tên kinh khủng nhất từ trước tới nay. Tình cờ thay, họ đều sống ở Vienna trong cùng một khoảng thời gian.
Adolf Hitler, Josip Broz Tito, Leon Trotsky, và Joseph Stalin đều cư trú tại Vienna vào mùa hè năm 1913. Hitler, được cho là đã sống ở Vienna từ năm 1908, đã phải chật vật mưu sinh bằng nghề họa sĩ.
Còn Stalin sống khoảng một tháng ở Vienna để viết các tác phẩm về chủ nghĩa Mác. Ông đã gặp gỡ nhà cách mạng người Nga Trotsky – người sống ở Vienna khoảng 7 năm – để cùng phát hành tờ báo Pravda. Nhà cách mạng cộng sản người Nam Tư sau này là Tito đã kiếm cơm với nghề chế tạo máy ở một nhà máy vùng Daimler và rất tích cực trong các “phong trào của nhân dân lao động” ở địa phương.
Hitler, Trotsky, Tito và Stalin đều là khách quen của quán Café Central. Riêng Hitler và Trotsky rất năng đến quán này. Có lẽ họ đến nhâm nhi cà phê và bàn bạc về các vấn đề thời cuộc với nhau chăng?
Quán cà phê Central phải đóng cửa vào cuối Thế chiến II rồi khai trương lại năm 1975. Giờ đây quán trở thành một điểm du lịch nổi tiếng.
Violet Jessop – Hoa khôi không bao giờ chìm
Violet Jessop là nữ y tá kiêm tiếp viên hàng hải bình thường, song cô có một vài câu chuyện ú tim gắn với những chuyến đi của mình đặc biệt xảy ra những lúc các con tàu gặp đại nạn.
Năm 1911, cô là tiếp viên trên con tàu sang trọng RMS Olympic. Khi đó tàu đã va chạm với một chiến hạm Anh. Vụ va chạm không gây thương vong, tàu Olympic vẫn có thể cập bến, không bị chìm.
Jessop không mất tinh thần sau sự cố đó. Năm 1912, cô tiếp tục phục vụ trên tàu RMS Titanic. Số phận đau thương của tàu Titanic đã được khắc vào các trang sử như một sự kiện bi thảm nhất của ngành hàng hải. Song một lần nữa Jessop lại nằm trong số những người may mắn sống sót.
Năm 1916, cô lại lênh đênh trên tàu HMHS Britannic của Hội Chữ thập đỏ Anh với tư cách tiếp viên. Chiếc tàu được cải tạo thành một bệnh viện, nhưng cũng đã bị chìm xuống biển Aegean cùng 30 sinh mạng sau một vụ nổ. Khi Jessop nhảy khỏi tàu để giữ mạng, cô bị cánh quạt của tàu làm chấn thương đầu.
Bốn năm sau, cô trở lại làm việc cho White Star Line bất chấp những tai nạn kinh hoàng trước kia. Thế nên người ta thường gọi cô là “Hoa khôi không bao giờ chìm”.
Hai lần, đúng nơi, đúng thời điểm!
Joseph Figlock là công nhân vệ sinh đường phố ở Detroit, bang Michigan, Mỹ. Tháng 10/1938, khi anh đang quét dọn trong một con hẻm thì có một bé gái đã ngã xuống từ cửa sổ tầng 4. Đứa bé rơi ngay xuống đầu và vai của Figlock. May thay đứa bé ấy vẫn sống sót.
Một năm sau, cũng trong lần Figlock dọn dẹp con hẻm, một đứa trẻ khác, lần này là trai, đã rơi ra khỏi cửa sổ. Cũng giống như lần trước, đứa trẻ rơi xuống người Figlock, cũng bị thương nhưng tình trạng khá hơn bé gái kia.
Trả thù hay quả báo?
Theo chuyện được kể lại, Henry Ziegland sống ở vùng Honey Grove, bang Texas, bị người đời xem là kẻ hay khiến người khác đau khổ. Năm 1893, anh chia tay bạn gái, sau đó cô bạn gái tự sát khiến gia đình cô vô cùng suy sụp. Anh trai cô đã nghĩ quẩn. Anh quyết định tự mình trả thù cho em gái khôi phục danh dự gia đình.
Anh đã bắn Ziegland, nhưng viên đạn chỉ sượt qua mặt Ziegland và ghim vào một cái cây gần đó. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng mình đã giết được Ziegland, và cùng với nỗi đau mất mát người thân ngày càng sâu đậm, anh cũng tự kết liễu đời mình.
20 năm sau, Ziegland quyết định chặt cái cây mà viên đạn năm nào vẫn còn ghim ở đó. Không hiểu sao anh không chặt mà dùng thuốc nổ để tiết kiệm thời gian, công sức.
Vụ nổ đã đốn hạ được cái cây nhưng cũng làm viên đạn phóng thẳng vào đầu Ziegland, khiến anh tử vong. Một số người tin vào tâm linh cho rằng đó là sự trả thù đến muộn, nhưng cuối cùng đã được thi hành.
Xuân Nhạn, theo TVN