Phương pháp kiếm tiền sáng tạo của Elon Musk trước khi trở thành tỷ phú
Tỷ phú công nghệ Elon Musk được coi là một trong những doanh nhân mạo hiểm nhất ở thung lũng Silicon, với lối tư duy rất độc đáo, khác người. Ngay từ khi còn bé, Elon Musk đã có nhiều cách kiếm tiền vô cùng sáng tạo.
Elon Musk đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 19,6 tỷ USD. Tất nhiên con số này cũng chẳng thấm vào đâu khi so sánh với người giàu nhất bây giờ, nhà sáng lập Amazon – Jeff Bezos, với 116,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu như Tesla tiếp tục làm ăn phát đạt như hiện tại, các chuyên gia kinh tế dự kiến 10 năm nữa, tài sản của Elon Musk sẽ lên đến 184 tỷ USD.
Tất nhiên để trở thành tỷ phú là cả một quá trình vô cùng vất vả và gian khổ. Suy nghĩ của tỷ phú cũng rất khác người thường. Bằng chứng là trước khi trở thành tỷ phú, Elon Musk đã tự mày mò ra những cách kiếm được (rất nhiều) tiền vô cùng sáng tạo.
Năm 12 tuổi tự thiết kế và bán video game
Ngay từ khi còn bé, Musk đã có hứng thú với máy tính, năm 9 tuổi, cậu bé Musk tự học cách lập trình rồi sau đó thiết kế thành công một trò chơi điện tử trên máy tính có tên Blastar. Musk bán trò chơi này với giá 500 USD. Đây cũng là thương vụ đầu tiên của Musk. Musk từng nói về Blastar là “một trò chơi bình thường như vẫn hay hơn Flappy Bird”.
Làm việc tại nhà máy gỗ
Sau khi rời Nam Phi năm 1988, Musk đã dành thời gian để làm một loạt các công việc lặt vặt ở Canada, chẳng hạn như trồng rau, dùng xẻng xúc ngũ cốc vào thùng ở trang trại của một người anh họ ở Waldeck, hay cưa gỗ ở Vancouver.
Trong một lần đến văn phòng thất nghiệp, Musk muốn tìm một công việc được trả lương cao nhất. Công việc đó hóa ra lại là dọn dẹp phòng lò đốt của một xưởng chế biến gỗ. Theo Musk, với mức 18 USD/giờ – một khoản lương lớn năm 1989 – công việc nặng nề này đòi hỏi phải mặc bộ đồ bảo hộ, bò qua những khoảng không nhỏ trong điều kiện nhiệt độ cực kỳ cao.
“Trong đó rất nóng, nếu bạn ở quá 30 phút thì có thể tử vong”, Elon kể lại.
Thực tập tại ngân hàng Nova Scotia nhờ chủ động gọi điện cho giám đốc điều hành
Sau khi đoàn tụ với em trai Kimbal Musk ở Canada, hai chàng trai nhiều tham vọng bàn nhau gọi điện cho những vị doanh nhân mà mình muốn gặp để mời ăn trưa. Một trong những người đó là Peter Nicholson, Giám đốc điều hành hàng đầu của ngân hàng Nova Scotia. Nicholson bị ấn tượng với Musk và quyết định trở thành người hướng dẫn cho Musk, đồng thời mời chàng trai trẻ về thực tập tại công ty với mức lương 14 USD/giờ.
Kinh doanh máy tính tại phòng
Khi học tại Đại học Queens ở Ontario, Musk đã có một khoảng thời gian kinh doanh thú vị bằng việc bán máy tính và các bộ phận phần cứng khác nhau cho các bạn cùng phòng.
Musk tạo ra bất cứ thứ gì phù hợp với nhu cầu của họ, chẳng hạn như máy tính chuyên chơi game hay một trình xử lý văn bản đơn giản.
Như Musk mô tả, “nếu máy tính của họ khởi động bị lỗi hoặc có virus, tôi sẽ sửa nó. Tôi có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào”.
Trả tiền thuê nhà bằng cách biến căn hộ của mình thành một câu lạc bộ đêm
Năm 1992, khi theo học tại Đại học Pennsylvania, “máu” làm ăn của Musk đã bộc lộ. Musk cùng một người bạn thuê một căn nhà 10 phòng ngủ. Trong tuần, cả hai vẫn đi học bình thường, nhưng vào cuối tuần, hai người biến căn nhà thành một câu lạc bộ “chui”.
Cửa sổ sẽ được che lại bằng túi ni lông đen, tường nhà được sơn màu sáng. Musk sẽ giữ cho mình tỉnh táo để kiểm soát buổi tiệc. Musk cho biết, với cách làm này ông có thể trả một tháng tiền nhà sau một đêm kinh doanh. Mẹ ông có lần còn phụ con trai đứng ngoài cửa soát vé.
Startup với Zip2
Musk từng được nhận vào học chương trình tiến sĩ của Đại học Stanford nhưng sau đó bỏ học vì ông nhận ra Internet có rất nhiều tiềm năng giúp thay đổi thế giới. Musk cùng em trai Kimbal thành lập Zip2, một công ty chuyên cung cấp ứng dụng bản đồ và chỉ đường cho các báo online. Để có tiền xây dựng startup, hai anh em dùng 25.000 USD trong tài khoản của cha.
Đến năm 1999, công ty PC company Compaq mua lại Zip2, Musk bỏ túi 22 triệu USD nhờ phi vụ này và trở thành triệu phú.
Kiếm thêm trăm triệu USD nhờ X.com
Sau khi bán Zip2, Musk đầu tư 12 triệu USD để cùng tham gia sáng lập X.com. Ông nhận định đây sẽ là tương lai của việc thanh toán trực tuyến. Đầu năm 2000, X.com sát nhập với đối thủ của nó là Confinity và đổi tên thành PayPal. Là một cổ đông lớn, Musk bị đuổi khỏi vị trí CEO sau một cuộc tranh cãi kéo dài. Đến tháng 7/2002, PayPal được bán cho eBay, mặc dù Musk đã ngăn cản. Phi vụ này trị giá 1,5 tỷ USD, Musk ra đi với 180 triệu USD sau thuế.
Tuệ Tâm (t/h)