Kỳ lạ vùng quê nói “kệ” là… bị đánh
empty
Làng Cổ Trai (Đoan Ngũ, Kiến Thụy, Hải Phòng) nhìn từ phía đền thờ nhà Mạc ra. |
Nói “kệ” là bị… doạ đánh
Chị Nguyễn Thị Dung (Đại Hà, Kiến Thụy, Hải Phòng) vừa cười vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày đầu chị mới về làm dâu nhà chồng đã bị mẹ chồng “mắng oan”: “Đây là quê chồng tôi, chứ quê gốc tôi ở huyện Vĩnh Bảo. Về làm dâu chân ướt chân ráo nên đâu biết được tục lệ, thói quen của làng, nên ngay trong ngày đầu tiên tôi đã bị mẹ chồng mắng. Sau biết tôi bị oan, mẹ chồng mới cười và… xin lỗi. Chuyện có gì đâu, chỉ là tôi trót lỡ nói từ “kệ”, thế là mẹ chồng tôi cho rằng tôi đang nói tục và chửi bà. Rõ khổ, trước đó chồng tôi đâu có nói cho tôi biết tục lệ của người dân nơi đây”.
Theo chị Dung, không riêng gì ở làng chồng chị mà hầu hết người dân ở xã Đại Hà đều kiêng không ai nói từ “kệ”. Trong câu nói, đặc biệt là xã giao với nhau, từ “kệ” là từ bị cấm dùng theo quy ước chung của vùng: “Ở đây, khi nói “kệ” được hiểu là thô tục, chửi thề và hàm ý khinh bỉ. Nên nhiều lúc giao tiếp, ai đó lỡ miệng nói “kệ” là ngay lập tức bị người kia mắng: “A, thằng này láo, mày dám chửi tao à?”, nếu người kia mà không xin lỗi ngay là xảy ra cãi nhau to, có khi còn đánh lộn”.
Chị Dung kể, có lần chị đã chứng kiến cảnh dở khó dở cười mà nguyên nhân cũng chỉ vì chữ “kệ”: “Có lần tôi đi bán rau ở chợ Đại Hà, đang ngồi bán thì thấy góc chợ phía bên xảy ra cãi nhau om sòm giữa một khách hàng và bà chủ bán hoa. Người khách từ xa đến đi lễ chùa, mới hỏi mua hoa. Lúc bó hoa, bà chủ bán hoa bảo: “Anh vẩy ít nước vào cho hoa nó tươi”, khách là chàng thanh niên đáp: “Mặc kệ nó thôi”, thế là bà chủ quán nổi quạu: “Sao anh dám chửi tôi?”, người khách ngạc nhiên: “Ơ, tôi chửi bà hồi nào?”. Cứ thế, nói qua nói lại thành cãi nhau to”.
“Chưa hết, bà chủ quán còn lấy điện thoại gọi đám thanh niên làng gần đó ra để định “trừng trị kẻ dám to gan này. Nhiều người phải can ngăn mãi mới thôi đấy. Sau chúng tôi phải giải thích mãi hai bên mới chịu hiểu và xin lỗi nhau, rằng đó là người khách ở xa đến, không hiểu phong tục tập quán của địa phương nên mới xảy ra hiểu lầm nói trên. Ngoài ra còn nhiều vụ tương tự như thế lắm. Có vụ còn xảy ra xô xát nữa”, chị Dung cho biết thêm.
“Kệ” là tên ông thủy tổ của vùng?
Cho đến nay, nhiều người dân Đại Hà vẫn không thể giải thích được tại sao lại có tục kỵ húy nói từ “kệ”. Hầu hết chỉ biết là từ xa xưa, vùng này đã có một tục lệ như một quy ước bất thành văn là người trong vùng không được nói đến từ “kệ” khi giao tiếp.
Ông Mạc Văn Tỉnh (60 tuổi, Đại Hà, Kiến Thụy) cho biết: “Ở vùng Đại Hà chúng tôi, “kệ” là từ kiêng kị. Khi ai đó nói “kệ” được hiểu là đang chửi tục, chửi thề, chửi bố mẹ ông bà mình. Chính vì thế, từ xưa đến nay khắp vùng Đại Hà không có gia đình nào đặt tên con cái mình là “Kệ” cả. Về nguồn gốc và nguyên nhân do đâu mà từ “kệ” bị kiêng kị thì tôi không rõ”.
Trong khi đó, cụ Trần Thị Loan (82 tuổi, Đại Hà, Kiến Thụy) thì cho rằng: “Hồi còn bé, tôi nghe các cụ cao niên kể lại rằng,sở dĩ từ “kệ” bị kiêng kị không dùng là do liên quan đến tên của cụ… thủy tổ vùng. Đây được xem là Thành hoàng, người đã khai hoang để lập ra vùng này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là truyền miệng dân gian chứ không có sử sách nào chép lại cả. Nhiều người đã bỏ công sức đi tìm kiếm nguồn gốc để giải thích cho tục kiêng kị nói “kệ” này nhưng vẫn chưa tìm ra”.
Cũng theo cụ Loan, giải thiết từ “kệ” bị kiêng không dùng do kị húy có nhiều phần là đúng và hợp lý. Cụ Loan lấy dẫn chứng: “Rất nhiều từ ngày xưa bị kiêng kị cấm dùng, có cái kéo dài mãi đến tận ngày nay. Những từ kiêng kị cấm dùng thường là những từ được cho là mang nghĩa xấu, tục, không may mắn hoặc những từ trùng tên với vua chúa, quan lại. Ví dụ như từ “bánh đa” và “bánh tráng” mà ngày nay ta vẫn dùng, khi xưa chỉ có tên là “bánh tráng” (đặt tên bánh theo cách làm). Nhưng đến thời Trịnh – Nguyễn thì bị đổi thành “bánh đa” vì kiêng không gọi tên húy chúa Trịnh Tráng. Giờ thì hai tên gọi này đều cùng chỉ chung một loại bánh”.
Cấm trai gái hai làng lấy nhau
Cũng liên quan đến tập tục kì lạ của địa phương, người làng Nhân Trai (xã Đại Hà, Kiến Thụy, Hải Phòng) còn cho chúng tôi biết trước kia hai làng Nhân Trai (xã Đại Hà) và Cổ Trai (xã Đoan Ngũ) của huyện Kiến Thụy xưa kia cách nhau một con sông. Đặc biệt, hai làng này có tập tục cấm con trai, con gái hai làng lấy nhau.
Về nguồn gốc của tập tục này, cho đến nay vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết: Khi xưa, làng Cổ Trai được biết đến là đất phát vương (quê hương của các vua nhà Mạc) bởi vì người làng này đã biết chọn được đất có long mạch tốt để bí mật an táng mồ mả của tổ tiên dòng họ. Nơi đất phong thủy tốt để an táng này tương truyền nằm ở địa phận làng Nhân Trai. Chính vì vậy mà trong suốt nhiều đời, làng Cổ Trai hưng thịnh, có nhiều người đỗ đạt làm quan. Làng Nhân Trai thì ngược lại, do bị “chặn long mạch” nên làng nghèo nàn và không ai đỗ đạt cao.
Có lần, một cô gái là người làng Cổ Trai lấy chồng là người làng Nhân Trai. Trong đêm tân hôn, cô gái đã đem hết bí mật của làng mình để kể cho chồng nghe, rằng thực ra mồ mả tổ tông làng Cổ Trai bên em đã được bí mật an táng ở đất làng Nhân Trai của chàng, đó là long mạch tốt,… Người chồng biết chuyện, hôm sau đã nói với các dòng tộc trong làng, người làng Nhân Trai bèn đem cuốc xẻng ra chỗ đất mà cô gái nói, đào hết mồ mả của người làng Cổ Trai, lấy hết hài cốt đem ném xuống sông. Từ đó, làng Nhân Trai mới hưng thịnh.
Về phía làng Cổ Trai, do “long mạch” bị phá bỏ, mồ mả tổ tông bị ném xuống sông nên cũng từ đó làng không còn ai đỗ đạt cao nữa. Người làng Cổ Trai giận lắm, từ đó mới cấm con gái làng mình không được lấy chồng là người làng Nhân Trai và các dịp lễ, tết, tảo mộ, người làng Cổ Trai cũng không bao giờ cho phụ nữ đi thăm viếng mộ tổ tông vì sợ lại bị “mất mộ” như câu chuyện trên.
Theo Ninh Sơn
Kienthuc
(dantri.com.vn)