Những địa điểm đẹp như chốn thần tiên xuất hiện trong phim ‘Tây Du Ký’
17 năm với hành trình dài gần 100.000 km, bộ phim “Tây Du Ký” đã đem đến cho khán giả những góc quay vô cùng ấn tượng.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết “Tây Du Ký” của nhà văn Ngô Thừa Ân từ thế kỷ 16, bộ phim truyền hình phát sóng lần đầu tiên năm 1986 của nữ đạo diễn Dương Khiết trở thành một tác phẩm huyền thoại của truyền hình Trung Quốc.
Phim quay ròng rã trong 17 năm, với 41 tập phim. Một số điểm quay ngoại cảnh nổi bật gồm đảo Đông Sơn ở Phúc Kiến, vườn bách thảo Lô Sơn ở Giang Tây, hay công viên quốc gia Trương Gia Giới ở Hồ Nam.
Chùa Tiểu Lôi Âm, nơi thầy trò Đường Tăng gặp yêu quái Hoàng Mi, nằm ở chân núi Cửu Hoa, thuộc tỉnh An Huy.
Chùa có kiến trúc cổ kính, nằm giữa không gian rừng núi rộng lớn, thích hợp làm bối cảnh quay phim.
Đạo diễn Dương Khiết qua đời hôm 15/4 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thọ 88 tuổi. Bộ phim của bà đã được chiếu lại hơn 3.000 lần trong suốt hơn 3 thập kỷ lần đầu ra mắt khán giả.
Các cảnh trong hoàng cung của Tây Lương Nữ Quốc được ghi hình ở Sư Tử Lâm Viên, Tô Châu.
Đây là một khu kiến trúc cổ theo truyền thống Trung Quốc, với thủy đình, vườn cây… Ngày nay, vườn là một điểm tham quan đông khách của Tô Châu.
Đoàn làm phim đã khéo chọn những góc quay lãng mạn và thể hiện được sự lộng lẫy của hoàng cung. Tác phẩm kinh điển này cũng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Hoa Quả Sơn, nơi sinh sống của bầy khỉ tinh khôn, được quay ở thác Hoàng Quả Thụ, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Hoàng Quả Thụ là một cụm thác tuyệt đẹp, với thác chính cao 67 m, rộng 83 m. Làn nước thác che khuất một hang động tự nhiên dài 134 m có tên Thủy Liêm Động. Tuy nhiên, các cảnh quay trong hang lại được thực hiện ở một hang động khác, do địa hình Thủy Liêm Động không phù hợp.
Cảnh bầy khỉ đi hái lượm được quay ở rừng dừa Vân Xương trên đảo Hải Nam.
Trong Tây Du Ký, vùng Hỏa Diệm Sơn là do Tôn Ngộ Không đập phá lò luyện đan, khiến lửa từ trên trời rơi xuống, tạo ra vùng sa mạc khô cằn, nóng bỏng này.
Trên thực tế, Hỏa Diệm Sơn nằm ở rìa phía bắc của sa mạc Taklamakan, Tân Cương. Đoàn làm phim đã thực hiện những cảnh quay ấn tượng trong khí hậu khắc nghiệt của sa mạc và thành Cao Xương bỏ hoang.
Không khí âm u, huyền hoặc của Trương Gia Giới còn khiến nơi đây được chọn làm bối cảnh quay hang ổ của Bạch Cốt Tinh.
Hai tập cuối phim (Tây Trúc) được quay ở kinh đô Phật giáo Ayutthaya của Thái Lan.
Ban đầu, đoàn làm phim dự định sang Ấn Độ, nhưng gặp khó khăn và đã quyết định quay ở Thái Lan.
Theo Zing