Sự kiện 10.000 người “bao vây” Bắc Kinh năm 1999 dưới góc nhìn chuyên gia
18 năm trước, vào ngày 25/4/1999, tại Trung Quốc xảy ra một sự kiện lớn, đó là có hơn 10.000 người đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền công dân và tự do tín ngưỡng. Nhưng cuối cùng, sự kiện này lại khơi mào cho một cuộc đàn áp chưa từng có trong lịch sử.
Sáng sớm ngày 25/4/999, tại Bắc Kinh, khoảng 10.000 người Trung Quốc, cả từ thành thị tới nông thôn, cả già lẫn trẻ, đã tập trung lại. Họ là những học viên Pháp Luân Công.
Họ tới Văn phòng Kháng cáo Trung ương nhằm yêu cầu chính quyền chấm dứt những hành động quấy rối leo thang bao gồm đánh đập và bắt giữ hơn 40 học viên gần thành phố Thiên Tân trước đó, và yêu cầu một môi trường tập luyện tự do.
Thủ tướng Trung Quốc, Chu Dung Cơ, đã gặp các đại diện của học viên Pháp Luân Công. Tối hôm đó những yêu cầu của các học viên được thỏa mãn và họ trở về nhà. Tuy nhiên Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã có những kế hoạch khác. Ba tháng sau, ông ta đã phát động một chiến dịch bức hại khắp toàn quốc.
Sự kiện thỉnh nguyện ngày 25/4 đã gây chấn động toàn thế giới và được truyền thông phương Tây ca ngợi là “cuộc thỉnh cầu có quy mô lớn nhất, và lý trí, ôn hoà nhất trong lịch sử Trung Quốc”.
Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc ồ ạt vào cuộc, cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 bị gán cho một tính chất khác. Nó không còn được miêu tả là một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa vốn có, mà đã bị bịa đặt thành cuộc “vây hãm” Trung Nam Hải của Pháp Luân Công. Cáo buộc này nhằm miêu tả Pháp Luân Công như một tổ chức kích động chính trị, và nhằm biện minh cho cuộc bức hại thảm khốc mà Giang vừa phát động.
Rốt cuộc, cuộc thỉnh cầu ôn hoà ngày 25/4 có phải là một cuộc vây hãm hay mang theo động cơ chính trị hay không? Dưới đây là nhận định của các chuyên gia về sự kiện này.
Giáo sư Chính trị học: “Động cơ chính trị” luôn là cái cớ để đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Ông Lý (ẩn danh), một Giáo sư Chính trị học và là cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc, đã chia sẻ về vấn đề “làm chính trị” của những người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Ông Lý nói: “Từ quan điểm chuyên môn của tôi, hay là từ hàng thập kỷ kinh nghiệm cá nhân trong chế độ cộng sản Trung Quốc, tôi biết rõ rằng ĐCSTQ có thể luôn tìm những cái cớ nếu họ muốn lên án ai đó. ‘Động cơ chính trị’ chỉ là một công cụ của ĐCSTQ. Họ có thể dùng nó để tấn công bất kỳ ai trong mọi thời điểm.
Khi đàn áp thành phần trí thức, họ phê phán những người trí thức là không quan tâm đến chính trị, không tập trung vào chính trị, không bị chính trị dẫn dắt và chỉ quan tâm đến nghề nghiệp của mình.
Đối mặt với một nhóm người tu luyện ôn hòa không có theo đuổi chính trị, họ cho rằng hành động hợp pháp bảo vệ nhân quyền này là ‘có động cơ chính trị’, và tấn công nhóm này. Không ai biết ở chế độ cộng sản Trung Quốc, liệu có đúng đắn khi có động cơ chính trị hay không”.
Tại Trung Quốc, thỉnh nguyện là một việc quá “xa xỉ” đối với người dân, thậm chí chỉ cần nghe đến thôi cũng khiến người ta e dè. Nhiều người đã sống qua thời Cách mạng Văn hóa, hay chứng kiến vụ Thảm sát Thiên An Môn (1989) đều biết rằng nếu có vấn đề gì động chạm đến lợi ích của Đảng cầm quyền thì chỉ như lao đầu vào chỗ chết. Thế nhưng, vì sao hơn 10.000 người lại mạo hiểm tính mạng để đi thỉnh nguyện như vậy?
Theo ông Lý, những người tu luyện Pháp Luân Công này “chỉ quan tâm tới tu luyện, chỉ muốn có một môi trường tu luyện không bị sách nhiễu, và họ hoàn toàn không quan tâm đến cái gọi là chính trị của ĐCSTQ”.
“Chúng ta có thể nói từ những sự thật này rằng bè phái của Giang Trạch Dân đã cẩn thận dàn xếp các chính sách đàn áp. Họ cũng tạo ra những lời bào chữa theo nhu cầu cần thiết của bản thân để đạt được mục đích riêng của mình. Vì thế họ đã chính trị hóa cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4. Không phải là các học viên Pháp Luân Công có động cơ chính trị, mà là bè phái Giang Trạch Dân đã có động cơ chính trị. Họ đã tạo ra một cái cớ cho cuộc đàn áp”.
Ông Lý nói rằng thông qua cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4, bản thân ông, người vốn không biết nhiều về Pháp Luân Công trước đó, đã có được một sự hiểu biết mới về môn tập luyện này. “Trong những thập kỷ qua, ĐCSTQ đã luôn luôn dối trá. Thực sự những lời dối trá chỉ làm mọi thứ tệ hơn. Vì những lời dối trá thường không logic. Chúng đầy những thiếu sót và có thể dễ dàng bị nhìn thấu. Và những lời dối trá chỉ có thể kéo dài trong một thời gian ngắn. Thậm chí nếu người ta tạm thời bị lừa gạt, một khi sự thật được phơi bày, độ tin cậy của kẻ nói dối sẽ hoàn toàn mất đi.
Sự bất công của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công đã được từng học viên Pháp Luân Công và những người theo công lý khác nói rõ. Vậy nên Pháp Luân Công ngày càng trở nên phổ biến, và bây giờ môn tập này đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia. Pháp Luân Công, ở tầng cấp của một người bình thường, có thể cải thiện được sức khỏe và đạo đức. Từ một tầng cấp cao hơn, có thể khiến cuộc sống thăng hoa, vốn là điều mọi người mong ước”.
Phóng viên điều tra Mỹ Ethan Gutmann: Cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4 chỉ là một cái bẫy
Một vài ngày sau cuộc thỉnh nguyện 25/4, ông Ethan Gutmann, một nhà kinh doanh, phóng viên điều tra độc lập và là tác giả của cuốn sách “Đại thảm sát” đã tiến hành những cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân của cuộc thỉnh nguyện.
Ông Gutmann tin rằng sự kiện 25/4 chỉ là một sự sắp đặt của ĐCSTQ, nhằm vu khống Pháp Luân Công: “Có lần, tôi nói chuyện với một nhân viên trung cấp trong chính phủ, người mà rất là ưng ý hành động của ĐCSTQ. Ông ta nói rằng quyết định đàn áp Pháp Luân Công đã có trước đó rất lâu, trước cả ngày chính thức bắt đầu chính sách đàn áp Pháp Luân Công. Vì thế, từ khía cạnh này, sự kiện 25/4 chỉ là hình thức. Nếu có người nói là học viên Pháp Luân Công đã mắc lỗi, thì tôi nói rằng họ đã bước vào bẫy dễ dàng quá. Tôi tin rằng mọi người thậm chí không biết đã có sẵn cái bẫy đó rồi”.
Ông Leeshai Lemish, là đồng nghiệp của ông Gutmann, đã đi đến kết luận rằng số lượng học viên Pháp Luân Công bị giết hại trong cuộc đàn áp sau sự kiện này lên đến hơn mười ngàn người, con số đó dựa trên số liệu mà dư luận đã báo cáo về Pháp Luân Công.
Cuộc điều tra của ông Gutmann cũng xác định sự đúng đắn của bản báo cáo “Cuộc điều tra độc lập đối với lời tố cáo mổ cắp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công tại Trung quốc”. Bản báo cáo này được luật sư nhân quyền nổi tiếng tại Canada là David Matas, và David Kilgour, cựu Thứ trưởng ngoại giao Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiến hành điều tra.
Ông Gutmann tin rằng chính sách đàn áp Pháp Luân Công tại Trung quốc vẫn đang leo thang. Ông nói: “Việc điều tra của tôi không khác mấy với cuộc điều tra của ông Matas và Kilgour. Nhưng phương pháp mà tôi dùng thì rất khác của họ. Họ đã dùng những tin tức hợp lý báo cáo từ chế độ ĐCSTQ, trong khi đó, tôi thì dùng những báo cáo thật sự mà tôi nhận được từ các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi đã đi đến cùng một kết luận. Vì thế, tôi sợ rằng việc mổ căp nội tạng là một điều có thật. Vì thế chế độ của ĐCSTQ không muốn tôi làm những việc này”.
Vì ông Gutmann quan tâm đến chính sách đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã từ chối cấp visa cho ông để đến Trung quốc. “Tôi không được cấp visa đi Trung quốc. Tôi tin rằng quyển sách của tôi là lý do chính. Cũng có thể là vì tôi phát biểu nhiều lần trong những hoạt động của các học viên Pháp Luân Công. Lý do khác là sự điều tra của tôi về mổ cắp nội tạng. Điều này là vấn đề nhiều người nói đến và rất sâu sắc. ĐCSTQ không muốn tôi đụng đến các vấn đề như thế”.
TinhHoa tổng hợp