Khoa học thần kinh và mục đích thật sự của Yoga
Chúng ta đều biết Yoga rất tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần, nhưng hãy xem khoa học tiết lộ điều gì về mục đích thật sự của Yoga qua bài viết của Jonathan Davis dưới đây.
Thỉnh thoảng mỗi khi đến lớp học Yoga, tôi có cảm giác như mình đang lạc trong một bộ phim dài tập mà không có hồi kết. Về sau tôi cũng tìm được những thông tin cần thiết để viết một bài về Yoga nhưng vẫn chưa thực sự hiểu hết Yoga cho đến khi tôi gặp Simon Thakur, một thầy dạy Yoga đồng thời là chuyên gia về nhân thể học.
Mục đích thật sự đằng sau mỗi tư thế
Thakur chia sẻ rằng: Một trong những vai trò cốt lõi của Yoga là cải thiện chức năng của toàn bộ cơ thể mà trọng tâm chính là cột sống, bộ phận có chức năng định hình và nâng đỡ các cơ quan khác.
Mục đích cơ bản nhất của việc thực hiện các động tác Yoga là tăng cường khả năng vận động của xương sống theo nhiều hướng như trước, sau, hai bên và xoay vặn, cụ thể hơn Yoga sẽ cải thiện chức năng của từng đốt sống trên cơ thể.
Những thông tin mà Thakur chia sẻ đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về Yoga và những thông tin mà tôi đã thu thập được trước đó. Lấy một ví dụ, từ thông tin trên tôi có thể nhận ra rằng: Sự tăng cường tính dẻo dai cũng như sức mạnh cho từng đốt sống giúp mọi người có thể ngồi lâu hơn ở trạng thái khi các đốt sống được sắp xếp thẳng hàng. Và điều này giải thích tại sao người ta có thể ngồi rất lâu ở một tư thế trong thiền định.
Ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các môn luyện tập trong văn hoá cổ xưa, bao gồm cả Svastha Yoga cổ truyền của Ấn Độ và Hình Ý quyền của Đài Loan. Ông đã thu thập được rất nhiều kiến thức quý giá từ triết lý của môn này và tự phát triển cho mình một hệ thống các động tác Yoga có tên là Ancestral Movement.
Dưới đây là tóm tắt những gì tôi đã thu được thông qua buổi chia sẻ của Thakur.
Lắng nghe cơ thể bên trong là bạn đang cảm nhận thế giới bên ngoài
Bên trong cơ thể, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của mình, nếu cố gắng tập trung hơn, tôi có thể cảm nhận được nhịp tim hay đôi khi là các xung động của động mạch cảnh. Ngoài ra, tôi không cảm nhận được nhiều bởi vì hầu hết chúng ta đang sống trong một xã hội quá bận rộn để cảm nhận cơ thể mình.
Một trong những vai trò khác của Yoga chính là giúp đánh thức khả năng nhạy cảm của mỗi người để họ có thể tự cảm nhận được từng đốt sống, và từ đó họ có thể cảm nhận được sự thay đổi của toàn bộ cơ quan trong cơ thể.
Khoa học đã khám phá ra rằng thông qua việc tăng khả năng tự lắng nghe cơ thể, chúng ta cũng tăng khả năng cảm nhận thế giới bên ngoài.
Để hiểu hơn về điều này trước hết chúng ta cần hiểu thêm về hai khái niệm: Bản đồ cơ thể ở não và hệ thống tế bào thần kinh gương.
“Sự mất kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên bắt nguồn từ sự mất kết nối giữa con người với chính cơ thể họ, con người hiện nay đã quen như vậy. Chúng ta đã đánh mất khả năng tự cảm nhận chính cơ thể mình”, Simon Thakur.
Bản đồ cơ thể và tế bào thần kinh gương
Thông qua khoa học thần kinh, tâm ký học và khoa học nhận thức chúng ta có thể giải thích:
Bản đồ cơ thể ở não được hiểu là vị trí của các nhóm tế bào thần kinh (TBTK) đảm nhiệm một hoạt động nào đó trên cơ thể. Nó được gọi là “bản đồ” vì các nhóm tế bào thần kinh có tính liên hệ về vị trí, ví dụ nhóm tế bào cảm giác của bàn tay sẽ có vị trí bên cạnh tế bào cảm giác của cánh tay.
Để chứng mình cho lý thuyết này các nhà khoa học đã làm thí nghiệm bằng cách tạo các xung động trực tiếp trên 1 vùng vỏ não nhất định, ví dụ như dùng dòng điện kích thích nhóm tể bào cảm giác bàn tay bạn sẽ cảm giác như tay mình đang chạm phải vật gì đó .
“Chúng ta có thể cải thiện và thay đổi khả năng cảm nhận thông qua rèn luyện, hãy bắt đầu từ các đốt sống”.
Bộ não và hệ thống thần kinh có khả năng tự tạo ra các TBTK và sợi thần kinh mới để thích ứng theo những đòi hỏi từ cảm nhận của cơ thể. Lấy ví dụ khi chúng ta thực hiện một động tác đặc biệt và lặp lại nhiều lần tư thế đó sẽ tạo ra nhiều TBTK mới ở khu vực thần kinh tương ứng và đồng thời hình thành nên nhiều sợi thần kinh từ não bộ đến các cơ quan trên toàn cơ thể có liên quan đến tư thế đó. Nhờ vậy, chúng ta có thể cảm nhận tinh tế hơn đối với từng bộ phận của cơ thể khi đang thực hiện tư thế trên.
Yoga và khoa học về sự đồng cảm
Tế bào thần kinh gương (Mirror Neurons) là những tế bào đảm nhiệm chức năng phản chiếu những gì chúng ta nghe, nhìn, ngửi, cảm giác. Ở các vùng não tương ứng. Lấy ví dụ: Khi chúng ta nhìn thấy 1 người đang vẫy tay thì ở não bộ sẽ có 15% các TBTK ở khu vực não chi phối cánh và bàn tay sẽ làm việc. Nghiên cứu về các TBTK gương giúp các nhà khoa học giải thích được nhiều điều hơn về tính cách đồng cảm của con người.
Thực hiện các bài tập Yoga sẽ giúp chúng ta đang tăng cường số lượng TBTK gương trong toàn hệ thần kinh. Người luyện không những cảm giác tốt về thân thể mình mà còn trở nên đồng cảm với những người xung quanh, hòa nhập với thiên nhiên, trở về bản tính nguyên thủy vốn có của con người.
“Khả năng cảm nhận tốt không những giúp chúng ta sớm phát hiện ra các bất thường của cơ thể, chúng ta còn có thể cảm nhận được những bất thường ở người khác”, Simon Thakur
Phấn Nguyễn, Theo Upliftconnect.com