Đến “đồi phù thuỷ” khai quật mộ đá 5.000 năm
Nằm xung quanh hai khu đồi Đông và Tây Carnbane thuộc vùng Loughcrew ở Ireland, khu vực hoang sơ này ghi dấu sự xuất hiện của hơn 30 ngôi mộ đá. Xen lẫn với những mộ đất, mộ đá mang “vẻ đẹp” phảng phất của sự huyền bí, cổ xưa.
Truyền thuyết Ireland gọi nơi này là “ngọn đồi phù thủy” – Slieve na Calliagh. Người ta kể rằng, những mộ đá này được tạo nên bởi các phù thủy khổng lồ, họ để đá trong tạp dề của mình và vô ý đánh rơi khi bay qua nơi này.
Không giống như các ụ đá cổ đại như Stonehenge ở Anh và Newgrange cùng ở Ireland, những mộ đá Loughcrew được xác định ra đời vào khoảng 3.500 – 3.200 năm TCN, ước tính trên 5.000 năm tuổi.
Người ta đồn rằng, nếu đứng từ ụ đá cao nhất ở đây, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh 18 vùng tại hạt Loughcrew. Số lượng khách du lịch tới đây không nhiều, nhưng ai đã một lần đặt chân tới đều bị ấn tượng mạnh.
Những mộ đá nằm chính giữa là điểm thu hút sự tò mò nhiều nhất. Nơi đây có “ụ đá T” – một trong những ngôi mộ cổ nhất, một công trình kiến trúc không trụ đỡ lâu đời nhất trên Trái đất. Hiện nay, nó vẫn còn khá nguyên vẹn với hơn 40 phiến đá lập thành vành đai xung quanh.
Hệ thống mộ đá được xây dựng không hề ngẫu nhiên mà có sự sắp xếp rất bí ẩn. Chúng hướng về phía Mặt trời mọc vào điểm Hạ chí và Đông chí. Mỗi sớm bình minh, tất cả đều được chiếu sáng bởi nắng vàng rất đẹp.
Nhiều giả thuyết cho rằng, người Ireland cổ đã có kiến thức thiên văn khá đồ sộ, nắm vững chu kì di chuyển của Mặt trời. Một số chuyên gia còn cho rằng, sự xây dựng này thiên về một nghi lễ tôn giáo nào đó hoặc một ý niệm thiêng liêng về bầu trời.
Ở đây hiện tượng ngày và đêm dài bằng nhau xuất hiện 2 lần/năm, khi đó ánh nắng Mặt trời sẽ tràn ngập cả ngọn đồi, chiếu sáng cho cả những vùng đá tối nhất, làm nổi bật nhiều vân trang trí trên đá.
Điểm độc đáo nhất ở Loughcrew đó là những hình trang trí độc đáo trên đá. Người cổ đại đã chạm lên đá những vòng tròn đồng tâm, bông hoa, chữ thập…
Nhiều người cho rằng, những hình vẽ đó không chỉ đơn thuần dùng để trang trí. Có giả thuyết là những hình vẽ ấy thể hiện kiến thức thiên văn học của con người thời ấy. Có vẻ như họ đang lập nên một bản đồ bầu trời với những ngôi sao và hành tinh. Đương nhiên, ý tưởng này hơi thiếu thực tế và không nhận được nhiều sự đồng tình.
Một giả thuyết khác cho rằng, vòng tròn và điểm chạm khắc trên đá biểu thị cho hình ảnh các pháo đài.
Người ta đã tiến hành nghiên cứu nhiều ụ đá ở đây và thấy rằng, nó không chỉ là những ngôi mộ mà có thể còn là lịch cổ đại của người Ireland. Họ sử dụng chúng để xem biểu mùa màng hàng năm.
Vào thập niên 80 thế kỉ trước, Martin Brennan đã phát hiện ra hòn đá kì lạ này và gọi là “đá lưng”. Nó nằm trong số 26 phiến đá ở “ụ đá U”, hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng mà con người chưa tìm hiểu được.
Đáng tiếc thay, khu vực này hiện vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng nghĩa. Dân địa phương đã tiến hành rào khu vực này lại để làm bãi chăn cừu.
(kenh14.vn)