“Syria đang trong tình trạng chiến tranh thực sự”
– Hôm 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triển khai thêm nhiều súng phóng tên lửa và súng phòng không tới khu vực biên giới chung với Syria. Ngoài ra, nhiều phương tiện và vũ khí quân sự khác cũng đang được chuyển tới căn cứ quân sự gần biên giới Syria, nơi chiếc .
“Mối đe dọa hiện hữu”
Ngày 26/6, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đã huy động các lực lượng vũ trang tới gần biên giới Syria. Quyết định này được đưa ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tuyên bố thay đổi chiến lược quân sự đối với chính quyền Damascus.
Trong cuộc họp nghị viện, Thủ tướng Erdogan khẳng định Syria là “ một mối đe dọa hiện hữu” và vì vậy, bất cứ mục tiêu quân sự nào từ Syria chạm tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ bị tiêu diệt.
Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp triển khai quân đội và vũ khí tới khu vực biên giới chung với Syria kể từ sau khi chính quyền Damascus tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu thuộc không quân nước này hồi đầu tuần trước |
Trước đó, chính quyền tổng thống al- Assad đã xác nhận dùng một tên lửa chống máy bay tầm xa để “bắn hạ một chiếc phản lực cơ F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ trong không phận Syria”.
Tuy nhiên, Ankara đã cáo buộc Syria tấn công máy bay của họ trong không phận quốc tế bằng một tên lửa dẫn đường.
Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ mới đây còn công bố hình ảnh cho thấy binh sĩ cùng nhiều xe tải vận chuyển súng phòng không được điều tới căn cứ quân sự của nước này ở thị trấn biên giới Yayladagi.
Ngoài ra, các phương tiện quân sự khác cũng đã được triển khai tới thị trấn Reyhanli thuộc tỉnh Hatay – là nơi tị nạn của hơn 33.000 người Syria trong suốt hơn 1 năm qua.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày một căng thẳng, hôm 29/6 tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul sẽ có một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tiếp tục bàn bạc giải pháp cho tình hình bất ổn Syria.
Trước đó, tại của Hội đồng Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức hôm thứ Ba (26/6) theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước cũng đã lên án hành động của Syria là ‘không thể chấp nhận’ và ‘rất thiếu thiện chí’.
Xác của chiếc máy bay ‘xấu số’ đã sớm được tìm thấy trên biển Địa Trung Hải ở độ sâu 1000 – 1.300 m, gần tỉnh Latakia, Syria |
‘Chính phủ thống nhất’
Đối với vấn đề nội bộ của Syria, mới đây Nga lên tiếng đồng tình với phương án “thành lập chính phủ thống nhất nhằm tạo ra những chuyển biến chính trị tích cực hơn”.
|
Tuy nhiên, Moscow kiên quyết phản đối việc loại bỏ tổng thống al-Assad khỏi chính phủ vì cho rằng đó chỉ là một giải pháp mang tính thiển cận.
“Nga không hề ủng hộ hành động can thiệp của
nước ngoài vào vấn đề nội bộ ở Syria. Hãy để chính phủ Syria tự thỏa
thuận với người dân của họ”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Trái lại, các nước phương Tây lại không ủng hộ kế hoạch hợp nhất do Đặc sứ Kofi Annan đề xuất.
Họ cho rằng việc thành lập nội các bao gồm thành viên của cả chính phủ cũ và phe đối lập sẽ làm giảm sự tín nhiệm trong chính quyền mới.
Trong trường hợp thực sự cần thiết phải thống nhất chính phủ, phương Tây cũng sẽ không tán thành việc duy trì quyền lực của ở Syria.
Theo đó, giải pháp gây tranh cãi này sẽ được thảo luận trong hội nghị Geneva bàn về trách nhiệm của Nhóm Hành động LHQ đối với Syria, diễn ra vào thứ Bảy (ngày 30/6).
Tham gia hội nghị gồm các nước thành viên thuộc Hội đồng Bảo an (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ) cùng đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait, Qatar, Liên minh Châu Âu, lãnh đạo Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập.
Việc có nên tiếp tục giữ Tổng thống al-Assad trong chính phủ mới của Syria hay không còn gây nhiều tranh cãi… |
Tổng thống Assad mới đây cho biết Syria đang trong ‘tình trạng chiến tranh thực sự’.
Trong khi đó, Đặc sứ Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập Kofi Annan cũng đã phải thừa nhận tình hình bạo lực tại Syria đã ‘đạt đến đỉnh điểm’ và còn căng thẳng hơn trước khi thỏa thuận ngừng bắn được chấp nhận hồi tháng 4/2012.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, sau hơn 13 tháng xung đột, ở Syria đã có khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường.
Con số này vẫn tiếp tục tăng lên theo từng ngày bất chấp nỗ lực kêu gọi hòa bình từ phía Liên hiệp quốc, cộng đồng quốc tế cũng như sự phản đối gay gắt của người dân trong nước.Hôm 28/6, truyền hình Syria đưa tin một vụ nổ lớn mới xảy ra ngay bên ngoài tòa nhà Bộ Tư Pháp ở thủ đô Damascus đã khiến ít nhất 3 người bị thương và phá hủy hoàn toàn hơn 20 chiếc xe.
Trong khi đó, nhiều vụ nổ xảy ra cùng ngày ở ngoại ô thủ đô Syria cũng đã khiến 22 người khác thiệt mạng.
Bạo động tiếp tục leo thang ở Syria. Ảnh chụp đám cháy gần tòa nhà Bộ Tư Pháp ở thủ đô Damascus trong một vụ nổ lớn xảy ra hôm 28/6 |
Hạ Giang
(vtc.vn)