Việc cựu binh Mỹ làm chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam gây tranh cãi
Việc ông Bob Kerrey, cựu binh chịu trách nhiệm cho một cuộc thảm sát ở Bến Tre vào năm 1969, làm chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã dấy lên nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Ngày 25/5, Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được trao quyết định thành lập dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey giữ cương vị chủ tịch hội đồng quản trị trường. Đây là cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận.
Ông Kerrey, sinh ngày 27/8/1943, từng làm thống đốc bang Nebraska, Mỹ, và là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Trước khi theo đuổi con đường chính trị, ông là chỉ huy của đơn vị Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam.
Theo một cuộc điều tra của kênh truyền hình CBS News và báo New York Times hồi năm 2001, đội đặc nhiệm dưới quyền ông Kerrey ngày 25/2/1969 gây ra cuộc thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Theo một bài viết đăng trên báo NYTimes cách đây 15 năm, Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại làng Thạnh Phong năm xưa.
Vì thế, việc ông trở thành chủ tịch hội đồng quản trị FUV đang gây ra nhiều tranh cãi ở Việt Nam, dù trong một bài phát biểu vào năm 2001, cựu thượng nghị sĩ Mỹ nói rằng cuộc thảm sát ấy đã “ám ảnh” ông suốt 32 năm.
Trên Facebook, ông Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer “The Sympathizer”, bày tỏ bất ngờ trước việc một người mà ông Việt mô tả là “có vấn đề” lại được chọn làm lãnh đạo trường.
“Thật khó để bỏ qua quá khứ của ông ấy cũng như sự việc không thể chối cãi đã diễn ra“, ông Việt nhận xét. “Người ta có thể dễ dàng tìm một người khác thích hợp hơn để dẫn dắt tổ chức“.
“Tôi biết ông Kerrey muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, đối với cả người dân nước ông ấy lẫn người dân Việt Nam“, Financial Times dẫn lời ông Thái Bảo Anh, một luật sư Việt Nam. “Nhưng tôi thắc mắc rằng liệu ông Kerrey có bao giờ tự hỏi việc ông ấy đảm nhận vị trí đó sẽ khơi lại một vết thương cũ trong tâm trí người Việt Nam hay không?“.
Trong khi đó, nhà báo Trần Trọng An chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng ông “đồng ý với quan điểm, Bob phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình“. Tuy nhiên, theo ông An, “chịu trách nhiệm không có nghĩa là ngồi ở Mỹ và ân hận về quá khứ. Mà chịu trách nhiệm cao hơn là quay trở lại làm những điều tốt đẹp“.
“Mình tin Bob có động lực làm điều tốt đẹp ở Việt Nam hơn bất kỳ người Mỹ nào khác“, ông An nhận xét.
Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo một công ty truyền thông ở Việt Nam, nhắc đến việc cựu thượng nghị sĩ đã nhận trách nhiệm và ăn năn, nhưng chỉ nhận trách nhiệm thì không bao giờ là đủ, mà hành động để chuộc lỗi thì tốt hơn nhiều.
“Nếu suốt hơn 45 năm qua, Bob Kerrey không làm gì cả, chỉ ngồi yên chờ lịch sử phán xét thì có tốt hơn không?“, ông Tuấn đặt câu hỏi. “Ngoài nỗi ám ảnh và sự ăn năn, ông Kerey đã cùng với Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain đã có rất nhiều nỗ lực vào quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ“. Ông ấy “đã dũng cảm đối mặt với quá khứ, một điều hẳn là không dễ dàng gì“.
Ông Ben Wlkinson từ Quỹ Tín thác Cải cách Đại học Việt Nam (TUIV) cũng đứng về phía ông Kerrey. Theo Wlkinson, với kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng như những đóng góp đối với công cuộc hòa giải Việt – Mỹ, ông Kerrey “hoàn toàn đủ điều kiện” để lãnh đạo Đại học Fulbright.
Sau khi những ý kiến tranh luận khác nhau xuất hiện về vai trò mới của ông, cựu thượng nghị sĩ chia sẻ với Financial Times rằng, ông “sẵn lòng rút lui” nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng tới cơ hội thành công của FUV.
“Tôi đã đối mặt với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và trung thực“, ông nói. “Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn“.
Theo VnExpress