Thực trạng vấn nạn “chạy việc” đáng báo động hiện nay
Để có được việc làm luôn là áp lực đối với sinh viên, thậm chí ngay cả với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Nhiều nơi yêu cầu phải có kinh nghiệm, mà sinh viên mới tốt nghiệp thì làm gì đã có kinh nghiệm.
Phải “chạy” mới có việc làm được xem như việc bình thường và tất nhiên đến nỗi nếu không quen biết, không “chạy” mà vẫn được nhận vào làm sẽ trở thành điều… quá bất bình thường.
Nhiều sinh viên mới ra trường, để có được một việc làm thì phải chạy bằng tiền. Một sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư Phạm loại giỏi chia sẻ, vì không quen biết nên muốn dạy ở một trường THCS phải có 300 triệu đồng với mức lương rất thấp.
Ở miền bắc, nhìn chung nhiều người còn tâm lý muốn xin được vào một công ty nhà nước để ổn định, nếu không quen biết thì phải “chạy” rất nhiều tiền mới có được một chân biên chế trong nhà nước.
Một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh ĐH Ngoại Thương chia sẻ trên diễn đàn rằng, đang làm cho công ty nước ngoài với mức lương 10 triệu đồng/tháng, rồi người nhà muốn xin cho vào làm một ngân hàng của nhà nước với mức giá “chạy việc” là 400 triệu đồng.
Nhiều sinh viên mới ra trường, để có được một việc làm thì phải chạy bằng tiền hoặc phải có “mối quan hệ thân thiết”. (Ảnh minh họa/Internet)
Ở một trường ĐH nọ, sinh viên tốt nghiệp loại khá hay giỏi nếu muốn ở lại trường làm giảng viên thì phải “chạy” đến 200 triệu đồng, đó là thời điểm 5 năm trước, đến nay có lẽ giá đã khác rồi.
Ở Viện Sử học kia, có trường hợp người tốt nghiệp loại giỏi không được nhận, trong khi người tốt nghiệp loại khá sắp sinh nhưng do quen biết nên lại được nhận vào.
Để có được tấm bằng ĐH không hề đơn giản, phải đầu tư công sức, chất xám cũng như tiền của. Sau khi ra trường, con đường tìm việc đối với nhiều người còn gian nan hơn nếu không có sự trợ giúp của người thân. Nếu không có quen biết hay tiền chạy việc thì nguy cơ thất nghiệp là rất cao.
Những vấn nạn liên quan đến “chạy việc”
Chạy việc không chỉ dẫn đến bất công, mà còn liên quan đền nhiều vấn nạn khác.
Nhiều người tự hỏi, lương từ các cơ quan nhà nước thường rất thấp, nhưng vì sao mà phải “chạy” bằng tiền mới được vào làm, mà tiền “chạy việc” này không hề nhỏ. Bởi lẽ các viên chức nhà nước hầu hết đều có thu nhập thêm ngoài lương, vậy đó là thu nhập gì?
Cách đây 3 năm, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới đã tiến hành khảo sát thu nhập ngoài lương của các công chức ở 10 tỉnh thành lớn trên cả nước. Trong số những người được hỏi thì 79% thừa nhận đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ 9 người thì có 1 người cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50% lương định kỳ.
Cuộc khảo sát cho thấy, vấn đề tham nhũng đằng sau quà cáp biếu xén là có, 25% công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà. 17% số người được hỏi khác cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân. Một số người thừa nhận đã chạy tiền để đổi lấy một vị trí trong cơ quan nhà nước.
Trang BBC đưa tin, năm 2014, để trở thành nhân viên hải quan cảng Hải Phòng, hưởng mức lương tối thiểu 1.115.000 VNĐ một tháng, Đạt – sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý đã chấp nhận bỏ ra 900 triệu, người được hỏi cũng xác nhận rằng con số này có thể dao động từ 900 triệu đến 1 tỉ 200 triệu VNĐ, trước khi theo học nghiệp vụ, ‘tùy vào mối quan hệ với các lãnh đạo trong ngành’.
Hải quan cũng được xem là ngành nhũng nhiễu khách hàng nhất, làm bất cứ thủ tục xuất nhập hàng đều phải có tiền mới xong được, vì thế nên nên dù lương thấp nhưng thu nhập ngoài lương là rất cao, và phí “chạy việc” vào được đây cũng cao hơn các nơi khác.
Tháng 9 vừa qua, 214 giáo viên tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã viết “Đơn kêu cứu” gửi tới Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cũng như nhiều cơ quan báo chí vì bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Sau khi tìm hiểu thì nhiều giáo viên trong số họ thú nhận rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ đã phải chạy vạy để có khoản chi từ 50 triệu đến 100 triệu đồng mới được một chân giảng dạy, nhưng chỉ được vài năm, giờ nếu bị cắt hợp đồng thì mất hết tiền, trong khi đó số tiền vay mượn để “chạy việc” còn chưa trả hết.
Không “chạy việc” được sẽ thất nghiệp
Tính đến cuối năm 2014, thống kê cho thấy có 174.000 sinh viên đại học và cao đẳng bị thất nghiệp. Đây là một con số cực lớn, lãng phí bởi chi phí để có một tấm bằng đại học hay cao đẳng không hề nhỏ, nhất là với những gia đình còn nghèo.
Số sinh viên khá giỏi bị thất nghiệp cũng không ít, nếu như không có nạn quen biết hay “chạy việc” thì có thể họ đã có được một công việc tốt rồi. Chính vấn nạn “chạy việc” này đã tạo ra sự không công bằng này.
Xuất phát điểm là như nhau… nhưng thân thế gia đình khác nhau, liệu “cuộc đua xin việc” của các tân sinh viên mới ra trường có công bằng? – (Ảnh minh họa/Internet)
Theo daikynguyenvn.com