Bậc giác ngộ xem nhẹ sinh tử: Diễn biến cái chết của người bị đóng đinh trên thập tự giá
Trong lịch sử xưa nay, các vị Thần hạ thế độ nhân luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, thế nhưng những khổ nạn mà họ phải chịu đựng lại được ghi chép rất sơ sài trong kinh sách. Tại sao lại như vậy?
Một bác sĩ đã thử làm một nghiên cứu sinh lý học và mô tả chi tiết quá trình đi đến cái chết của một người bị đóng đinh trên thập tự giá.
Cây thập tự giá được đặt nằm trên mặt đất và người đàn ông tiều tụy nhanh chóng bị người ta ấn lưng vào thân cây thập tự. Người hành quyết đóng một cây đinh to bản xuyên qua lòng bàn tay của tử tù, cắm sâu vào thanh gỗ, và bằng một thao tác nhanh nhẹn y như thế, một cây đinh khác đã được đóng vào bàn tay kia. Người hành quyết cẩn thận không để hai cánh tay của tử tù quá căng ra hai bên, mà cho phép cánh tay có thể co duỗi một khoảng nhỏ. Sau đó cây thập giá được dựng đứng lên. Bàn chân trái của tử tù được xếp chồng lên bàn chân phải, cả hai bàn chân đều duỗi hướng xuống mặt đất, đầu gối hơi chùng. Cây đinh thứ ba được đóng xuyên qua hai mu bàn chân. Kể từ thời điểm này, “nghi thức” tra tấn kẻ tử tù đã hoàn tất.
Thân thể của kẻ tử tù dần dần tuột xuống, khiến hai lòng bàn tay đóng đinh bị kéo căng ra, một cơn đau tột độ tràn ngập khắp các ngón tay, chạy dọc theo hai cánh tay và xông lên đầu khiến bộ não gần như nổ tung. Người ấy buộc phải nhích thân thể lên để vơi đi cơn đau xé da xé thịt đó, và để làm điều này, ông phải dồn lực xuống hai bàn chân bị đóng đinh phía dưới. Và lần này một cơn đau thấu xương khác lại xông lên khiến các dây thần kinh truyền tải cảm giác dường như quá tải.
Vì phải liên tục gồng cứng cơ bắp để ức chế cơn đau, nên những cơn chuột rút cũng sớm kéo đến, các bó cơ co giật liên hồi, một loại đau đớn khác phủ trùm toàn bộ cơ thể. Chuột rút khiến cơ hoành bị tê liệt, người ấy gần như không thể hít thở được nữa. Ông dùng hết sức bình sinh để hớp lấy từng ngụm không khí, nhưng chỉ có thể hít vào chứ không thể thở ra được. Một chút thả lỏng sẽ khiến cơn đau được đà xông lên não.
Cuối cùng, carbon dioxide tích tụ lại trong phổi và các mạch máu khiến cơ bắp bị dãn ra, nhờ thế mà các cơn chuột rút mới dần dần dịu xuống. Lúc này kẻ tử tù đáng thương đã có thể hít thở thêm được một chút.
Sau sáu tiếng đồng hồ chịu đựng thống khổ với những màn tra tấn thay phiên nhau hành hạ: cơn đau bị đóng đinh, cơ bắp co giật do chuột rút, ngạt thở do thiếu không khí, da lưng bị rách nát do liên tục chà xát với mặt gỗ sần sùi. Đoạn cao trào của thảm kịch đã đến, một cơn đau nhói như đâm xuyên qua ngực gây bởi màng tim bị tràn dịch huyết thanh khiến tim co thắt dữ dội.
Các mô tế bào bị mất nước ở mức nghiêm trọng. Quả tim nặng nhọc bơm từng dòng máu đen sậm, đặc quánh, chậm chạp chảy trong mạch máu. Hai lá phổi đang ra sức phập phồng như điên để hớp từng ngụm không khí.
Cuối cùng, người ấy đã trút hơi thở cuối cùng trên cây thập tự giá.
Toàn bộ quá trình chịu đựng thống khổ vô cùng vô tận này được chép trong Thánh kinh Tân Ước với chỉ vỏn vẹn hai câu:
“Chúng đóng đinh Người vào thập giá” (Mark 15:24)
“Đức Jesus lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở”. (Mark 15:37)
Chúng ta cũng có thể tìm thấy điểm tương đồng trong kinh thư của những tôn giáo chính thống khác. Các đấng giác ngộ (tiếng Hán-Việt gọi là “Giác Giả”, tiếng Phạn gọi là “Phật Đà”) khi hạ thế độ nhân đều phải thay con người chịu đựng nghiệp lực cường đại tích tụ từ đời đời kiếp kiếp của họ. Những khổ nạn, thậm chí là việc hy sinh tính mạng của bậc Giác Giả, chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé trong kinh sách, mà phần lớn những gì được lưu lại chính là những lời giáo huấn, dạy con người cách tu luyện đạo đức, đề cao tâm tính, tăng cường tín tâm đối với Thần.
Trái lại, đề cao tung hô kẻ cầm đầu, sùng bái cá nhân, thần thánh hóa một thường nhân để bái lạy như Thần, cưỡng chế niềm tin bằng cách nhồi nhét các loại học thuyết, dùng danh lợi để mua chuộc lòng người, tuyên truyền phô trương sáo rỗng v.v. lại là biểu hiện của một tà giáo. Trong khi đó, các vị Thần trong chính giáo chỉ lặng lẽ độ nhân, âm thầm hy sinh, âm thầm lưu lại nền văn hóa tốt đẹp cho nhân loại.
Hy vọng con người thế gian sẽ có đủ lý trí để phân biệt chính tà, tìm được chính Pháp để đặt đức tin của mình vào đó.
Theo Inspire21.com