Dưa kiệu ngày Tết ngoại làm
Mỗi lần Tết đến, ngoại tôi đều làm đủ thứ: bánh, mứt, dưa chua để biếu cho láng giềng tặng con cháu. Tôi thích nhất là món dưa kiệu vì màu sắc trắng trong bắt mắt, hương vị giòn, ngọt, vừa ăn và mùi thơm rất đặc trưng, hơn hẳn dưa bán chợ.
Theo ngoại, làm món này không khó nhưng phải tốn công một chút, nhất là khâu: cắt, ngâm và xả kiệu.
Trước hết, phải lựa kiệu quế (loại kiệu củ vừa, không lớn, làm dưa mau chua, ăn giòn và thơm) khoảng 2 kg (ít nhiều tùy số lượng người ăn). Cắt bớt một phần rễ và lá, rửa sơ với nước cho bớt bùn đất, để ráo.
Cho kiệu và muối hột (500 gram) vào thau ngâm cùng nước lã ngập xăm xắp trong 2 đêm, lấy ra xả sạch và dùng tay chà xát cho tróc lớp vỏ đen bên ngoài, lộ phần trắng bên trong, và dùng dao bén cắt sát gốc kiệu (nhớ không chạm phần thịt, kiệu khi ngâm sẽ bị úng), và một phần ngọn (lấy phần trắng, bò phần xanh) cho sạch sẽ.
Kế đến, cho kiệu vào thau ngâm với nước lạnh cùng phèn chua, phân lượng phèn cỡ lóng tay út, rồi đem phơi nắng. Khi nước trong thau nóng, đem kiệu ra xả với nước lạnh nhiều lần trong ngày. Cứ thế tiếp tục thao tác y như lần đầu (ngâm kiệu cùng với phèn), rồi xả với nước lạnh nhiều lần trong 2 ngày, khi thấy kiệu trắng trong thì ngưng.
Cuối cùng, cho kiệu vào thau, xả hoàn toàn với nước lạnh (5 đến 7 lần) cho thật sạch, để ráo, không phơi nắng nữa. Sau cùng xếp kiệu vào keo và nấu giấm đường cho hòa tan theo tỉ lệ: một nửa lít giấm chua, 50 gram muối bọt, 500 gram đường cát trắng cho 2 kg kiệu. Chờ giấm nguội cho vào keo ngập lên kiệu, khoảng 5 – 7 ngày sau là dùng được. Muốn để lâu nên cho vào ngăn lạnh.
Giờ đây, ngoại tôi đã ra người thiên cổ, còn tôi đã có gia đình và sống nơi thành phố. Mỗi khi Tết đến, nhìn mâm cỗ cúng trên bàn thờ trong đó có món thịt kho tàu và dĩa dưa kiệu lòng tôi bồi hồi nhớ về hình ảnh ngoại ngồi tỉ mẩn dưới bếp nhặt từng củ kiệu làm dưa cho con cháu mỗi dịp xuân về, những giọt nước mắt chợt rơi lúc nào không hay!…
Bài và ảnh Hữu Tưởng