Kinh tế Đông Á khó khăn trăm bề
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo thường niên cho biết nền kinh tế Đông Á, vốn đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế toàn cầu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn Mỹ, châu Âu đang trì trệ, thông tin trên tiếp tục góp phần làm bức tranh kinh tế thế giới thêm ảm đạm.
-
Nỗi khổ mang tên châu Âu
Sự phát triển của kinh tế Đông Á đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế toàn cầu. Điều này đã được chứng minh với 38 triệu người trên thế giới đã thoát nghèo và tỷ lệ người vẫn còn ở mức nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) giảm 2,2% trong năm nay. |
GDP thực tế của nền kinh tế Đông Á sẽ đạt mức 8,2% trong năm 2011 và dự kiến giảm còn 7,8% năm 2012. Xuất khẩu của Đông Á bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu thụ từ 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu sụt giảm. Nếu không có tiêu dùng nội địa, GDP thực tế của Đông Á (không tính Trung Quốc) khó vượt nổi 4,7% năm 2011. Nhà kinh tế trưởng WB tại Đông Á và Thái Bình Dương, ông Bert Hofman, cho rằng tăng trưởng thấp do thắt chặt tài chính và tăng nguồn vốn cho các ngân hàng tại châu Âu đã và đang ảnh hưởng đến dòng vốn đổ vào Đông Á.
Kinh tế Đông Á còn bị tác động bởi những hậu quả nặng nề do thiên tai giáng xuống Thái Lan, Nhật Bản. Trận lụt tồi tệ trong vài thập kỷ qua tại Thái Lan đã ảnh hưởng đến 2/3 trên tổng số 77 tỉnh thành của nước này, làm 600 người thiệt mạng và hơn 1.000 nhà máy tại 6 khu công nghiệp phải ngừng hoạt động. Do đó, WB đã giảm dự báo tăng trưởng của Thái Lan xuống mức 2,4% (giảm 1%) năm 2011.
Trước đó, trận động đất gây sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3-2011 khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng và phá huỷ khu vực lớn các nhà máy tại Đông Bắc, làm đình đốn sản xuất trong nhiều tháng. Theo WB, các thảm hoạ thiên nhiên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Không chỉ có Nhật Bản, nền kinh tế Đông Á cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng tháng 3-2011. |
-
Phụ thuộc vào Trung Quốc
Một điều dễ nhận thấy, các nền kinh tế Đông Á đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ rõ sự chi phối của mình khi các quốc gia Đông Á tiêu thụ đến 18% hàng hoá Trung Quốc và đang làm mất cân bằng cán cân thương mại giữa Đông Á-Trung Quốc. Mặc dù vậy, theo WB, cơ hội xuất khẩu của Đông Á vẫn rộng mở khi thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc liên tục phát triển trong nhiều năm. Sức mua của nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân hiện tương đương với Liên minh châu Âu (EU).
WB cho rằng nền kinh tế ở Đông Á cần phải tăng cường liên kết khu vực, đặc biệt mở rộng các hiệp định tự do mậu dịch đối với ASEAN cũng như với Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc để tăng cường khả năng xuất khẩu. WB cho rằng trong ngắn hạn, thách thức chính cho khu vực Đông Á là làm sao để cân bằng giữa phát triển và chống lại các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nên thắt chặt chính sách kinh tế hơn nữa và sẵn sàng hành động khi có các cú sốc tiêu cực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang gây những tác động xấu cho kinh tế toàn cầu.
Mặc dù tài chính các nước Đông Á không còn mạnh như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhưng hầu hết các nền kinh tế trong khu vực vẫn còn đủ khả năng để tung ra các gói kích thích kinh tế và điều này hết sức cần thiết. Trong trung hạn và dài hạn, các nhà hoạch định chính sách của Đông Á phải thực hiện mạnh hơn các cải cách nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và sản xuất.
Nhà kinh tế Ekaterina Vostroknutova, trưởng nhóm tác giả báo cáo của WB, cho rằng đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và hệ thống an sinh xã hội có thể giúp các quốc gia gia tăng năng suất và tạo ra nhiều giá trị gia tăng sản xuất.
SGGP- ĐỖ VĂN (Tổng hợp)