84 bằng sáng chế tiết lộ quy mô kế hoạch tiền kỹ thuật số của Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nộp 84 bằng sáng chế liên quan đến kế hoạch bí mật tung ra một loại tiền kỹ thuật số. Đây là bằng chứng cụ thể về việc nước này đang có các động thái ra mắt Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương (CBDC), theo Financial Times.
Thời báo tài chính quốc tế Financial Times xác nhận, các bằng sáng chế này bao gồm các đề xuất liên quan đến việc phát hành và cung cấp một loại tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Uơng, hệ thống thanh toán liên ngân hàng sử dụng tiền tệ và tích hợp ví tiền kỹ thuật số vào tài khoản ngân hàng bán lẻ.
Phòng Thương mại Kỹ thuật số tiết lộ, nội dung của những bằng sáng chế này cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng số hóa đồng Nhân dân tệ và động thái này đã cảnh báo phương Tây, đồng thời thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới bắt tay vào các dự án tương tự.
Bà Perianne Boring, chủ tịch Phòng Thương mại Kỹ thuật số cho biết, “Vấn đề là Trung Quốc đã đầu tư rất lớn và đang thực hiện các dự án [tiền kỹ thuật số] rất nghiêm túc. Đây là sự khác biệt lớn so với cách tiếp cận của Mỹ và động thái này càng làm nổi bật các dự án đó”.
Vào năm 2014, Trung Quốc đã khởi động một dự án thanh toán tiền điện tử /tiền số có tên là DC/EP, với mục đích số hóa một phần cơ sở tiền tệ hiện có hoặc tiền mặt đang lưu hành của Trung Quốc.
Một số trong số 84 bằng sáng chế được Financial Times xem xét cho thấy Trung Quốc có thể lên kế hoạch điều chỉnh thuật toán cung cấp nguồn tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương của nước này dựa trên một số tác nhân, chẳng hạn như lãi suất cho vay.
Một số cơ chế phác thảo cho phép khách hàng gửi tiền vào các ngân hàng và sau đó đổi lấy tiền kỹ thuật số, trong khi thanh toán và bù trừ liên ngân hàng có thể được thực hiện nhanh chóng trong hậu trường.
Các bằng sáng chế khác tập trung vào xây dựng thẻ chip tiền kỹ thuật số hoặc ví tiền kỹ thuật số mà người dùng có thể sử dụng dễ dàng. Những thẻ chip và ví tiền này có thể được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của họ.
“Hầu như tất cả các ứng dụng bằng sáng chế này liên quan đến việc tích hợp một hệ thống tiền kỹ thuật số vào cơ sở hạ tầng ngân hàng hiện tại”, ông Marc Kaufman, một đối tác và là luật sư về bằng sáng chế của Rimon Law, người đã làm việc với Phòng Thương mại về dự án này cho biết.
“Trong khi một số bằng sáng chế cam kết đảm bảo quyền riêng tư, không có cơ chế nào ngăn ngân hàng trung ương Trung Quốc kiểm soát toàn bộ giao dịch của người dùng”, bà Boring nói.
Những tiết lộ trên được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng cường phát triển các loại tiền kỹ thuật số trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc có thể trở thành một nhân tố mạnh trong đổi mới tài chính và ảnh hưởng tới toàn cầu.
Tháng trước, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã thành lập một nhóm “đánh giá các trường hợp tiềm năng” đối với các loại tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương có thể tương tác, bao gồm Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Ngoài ra còn có các sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ. Tại Mỹ, Christopher Giancarlo, cựu giám đốc của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (Commodity Futures Trading Commission – CFTC), mới đây đã cho ra mắt tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Quỹ USD kỹ thuật số, với mục đích tập trung vào việc nghiên cứu cách tạo ra đồng USD kỹ thuật số.
Tim Morrison, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson và là cựu phó trợ lý về an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng các bằng sáng chế nói trên cho thấy khả năng “Trung Quốc có thể áp đặt hiệu quả chế độ của mình lên phần còn lại của thế giới” khi nước này theo đuổi sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
“Họ sẽ không đánh bại đồng đô la sau một đêm, nhưng họ đang bắt đầu tạo ra một đồng tiền thay thế”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng các rào cản thực sự đối với việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là chính sách kiểm soát vốn, chính sách thao túng mà Bắc kinh không có ý định gỡ bỏ.
Trong một diễn biến khác, Facebook cũng đang lên kế hoạch tạo ra một loại tiền kỹ thuật số thanh toán xuyên biên giới với chi phí thấp – đồng tiền điện tử Libra, khiến các ngân hàng trung ương không thể ngồi yên. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào hôm 11/2, Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tiết lộ kế hoạch phát triển đồng Libra của Facebook và CBDC của Trung Quốc đã đưa CBDC trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Ngân Khánh (Theo Finacial Times)