Vì sao Trung Quốc muốn giúp châu Âu?
Trong hai ngày 3 và 4-11, hội nghị thượng đỉnh các nước G20 sẽ được tổ chức tại Cannes (Pháp). Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nỗ lực thuyết phục các nước mới nổi như Nga, Brazil, Trung Quốc và Trung Đông tham gia giải cứu châu Âu khỏi khủng hoảng nợ nần.
Đặc biệt đối với Trung Quốc, châu Âu hy vọng vào 3.200 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc sẽ đóng góp vào gói đầu tư trị giá 1.000 tỉ euro. Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy đã đích thân gọi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để thuyết phục. Bắc Kinh đang cân nhắc đầu tư 100 tỉ euro.
Báo Time phân tích Trung Quốc cân nhắc giải cứu châu Âu vì 25% tiền tệ dự trữ của Trung Quốc là đồng euro. Trung Quốc thường xuyên mua lại trái phiếu cứu trợ tài chính của khu vực đồng euro.
Với chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế toàn cầu đa cực, Trung Quốc duy trì đồng euro như đồng tiền dự trữ đồng thời là biện pháp để giữ thế đối trọng với đồng đôla Mỹ.
Giúp đỡ châu Âu đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích kinh tế cho Trung Quốc. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng châu Âu, nơi thu nhập bình quân đầu người 32.500 USD so với 4.500 USD ở Trung Quốc. Đồng euro yếu đi sẽ làm cho hàng xuất khẩu Trung Quốc đắt hơn cho châu Âu.
Ảnh: AFP Đêm 1-11, những người chống chủ nghĩa tư bản đã được phép biểu tình ở Nice cách địa điểm hội nghị thượng đỉnh G20 30 km. Họ trương biểu ngữ “Người dân trước hết, không phải tài chính”. Ban tổ chức biểu tình ước tính có 40 tổ chức tham gia với khoảng 10.000 người (cảnh sát nói có 5.400 người) đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Anh, Mexico… 2.000 cảnh sát bám theo đoàn biểu tình. Biên giới Pháp-Ý đã được thắt chặt vì Pháp lo ngại bọn gây rối mặc đồ đen từ Ý sang quậy phá.
|
Giải cứu châu Âu cũng là cơ hội để Trung Quốc thâu tóm ảnh hưởng chính trị và kinh tế.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng phát biểu ngụ ý châu Âu cần sửa chữa hành vi nếu muốn Trung Quốc mở rộng vòng tay giúp đỡ. Ông Ôn Gia Bảo muốn nói đến hành vi nào?
Về kinh tế, Trung Quốc muốn Liên minh châu Âu (EU) tháo gỡ hàng rào thuế quan đánh vào các mặt hàng Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu và kinh tế Trung Quốc. EU còn áp dụng 55 biện pháp chống bán phá giá nhằm vào hàng Trung Quốc.
Chưa kể những lời chỉ trích Trung Quốc của EU về quyền sở hữu của nước ngoài, luật sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đối với công ty nội địa sẽ biến mất nếu Trung Quốc giải cứu châu Âu.
Về chính trị, Trung Quốc sẽ bớt bị phiền hà về các vấn đề Tây Tạng, bảo vệ môi trường và nhân quyền.
Châu Âu có thể trả ơn Trung Quốc bằng cách xóa bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí với Trung Quốc được áp đặt từ năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn, hoặc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải giữ khoảng cách với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tuy nhiên theo báo Time, tại hội nghị ở Cannes lần này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chắc chắn sẽ chưa vội ký vào bất cứ cam kết nào về chương trình giải cứu đồng euro. Phía Trung Quốc hiểu và muốn khẳng định vị thế của họ trên chính trường quốc tế.
Theo báo pháp luật