Mỹ: 74% ca Covid-19 tại một thị trấn là người đã tiêm vắc xin đầy đủ
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 30/7 cho biết, tại một thị trấn ở Massachusetts có đến 74% ca mắc Covid-19 đều là những người đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Theo báo cáo hôm 30/7 của CDC Mỹ, tổng cộng có 469 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch Cape Cod sau các cuộc tụ tập ăn mừng Quốc khánh Mỹ hôm 4/7. Trong số này có 346 người (74%) đã được tiêm vắc xin đầy đủ, với liều cuối cùng trên 14 ngày từ thời điểm tiếp xúc mầm bệnh.
Việc nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm chủng đầy đủ như trên được gọi là hiện tượng ‘nhiễm đột phá’. 346 trường hợp trên sau đó đã được xếp vào dạng ‘nhiễm đột phá’.
Tại Cape Cod, 274 ca ‘nhiễm đột phá’ có triệu chứng thường thấy của những người mắc Covid-19 thông thường (chiếm 79%); khi giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của 133 người trong số này, CDC phát hiện 119 người mắc biến thể Delta.
Sử dụng xét nghiệm RT-PCR, CDC nhận thấy có 127 ca ‘nhiễm đột phá’ có tải lượng virus cao, tương đương 84 ca mắc không rõ tình trạng tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng.
“Tải lượng virus cao nghĩa là nguy cơ lây cho người khác cũng cao. Điều này làm dấy lên lo ngại việc các ca nhiễm đột phá biến thể Delta có thể lan truyền virus, không giống với các biến thể trước đây của SARS-CoV-2”, bà Rochelle Walensky, người đứng đầu CDC Mỹ nêu quan điểm trong tuyên bố ngày 30/7.
Cuối cùng, qua các số liệu nghiên cứu khác nhau, CDC kết luận biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến CDC tái khuyến nghị những người đã tiêm vắc xin vẫn nên đeo khẩu trang tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, để bảo vệ chính mình và người khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ, đến nay đã xuất hiện tại hơn 130 quốc gia trên thế giới, gây khó khăn cho việc chống dịch.
Nhận định về báo cáo ngày 30/7 của CDC Mỹ, truyền thông quốc tế cho rằng báo cáo này đã cung cấp thêm minh chứng về khả năng lây lan của biến thể Delta. Các số liệu cũng đồng thời làm thất vọng những người tin rằng vắc xin có thể bảo vệ 100% người tiêm khỏi việc nhiễm bệnh.
Vũ Tuấn (t/h)