Các hãng ô tô có thể học gì từ Steve Jobs? (1)
Steve Jobs không chỉ là một huyền thoại trong ngành công nghệ thông tin, mà còn là một thần tượng của giới kinh doanh nói chung, trong đó có các nhà sản xuất ô tô.
Một điều không thể chối cãi là trên thế giới có rất ít thương hiệu quyền lực như Apple. Rất ít sản phẩm – mà trong tay các công ty khác có thể bị coi chỉ là một thiết bị đơn thuần – khơi gợi nhiều cảm xúc như hàng của Apple. Rất ít công ty có được sự trung thành của khách hàng như Apple. Và cũng có rất ít nhà bán lẻ có thể duy trì hệ thống cửa hàng lớn và trang trí cầu kỳ chỉ với một số ít sản phẩm, bán chúng với giá cao mà khách hàng vẫn vui vẻ, và thu lợi nhuận khổng lồ.
Nhiều thế hệ trước, từ thời hoàng kim hậu chiến của ngành ô tô Mỹ, các thương hiệu như Ford, Chevrolet, Cadillac và Chrysler cũng có được những quyền năng tương tự. Nhưng thời đó đã qua, và thực tế là ngành ô tô đang chậm thay đổi. Tệ hơn nữa là chất lượng dịch vụ bán lẻ trong ngành bị xói mòn bởi một mô hình kinh doanh không lý tưởng, bị ràng buộc bởi những thoả thuận về quyền kinh doanh lạc hậu. Nhưng có thể ngành ô tô sẽ lại “tuyệt vời” nếu học theo một số triết lý kinh doanh của huyền thoại Steve Jobs:
Đừng ngại bán hàng cao cấp với giá cao
Điều này không có nghĩa là tất cả ô tô đều phải là xe hạng sang, đơn giản là đừng cắt xén chỗ này chỗ kia của sản phẩm chỉ để giảm giá vài đồng. Hãy cho ra đời những chiếc xe mà mọi người có thể mua và sở hữu với niềm tự hào. Ngay cả với xe giá rẻ nhất của công ty, hãy tạo một hình thức chất lượng và cảm giác vượt sự kỳ vọng của người mua. Hãy để những người săn hàng giá rẻ và thích cò kè mặc cả tìm đến thị trường xe cũ.
Khơi gợi nhu cầu cho người mua.
Đây là nét đặc trưng của hàng Apple. Hầu như chẳng có người dùng máy tính nào từ đầu thập niên 80 quan tâm rằng màn hình máy tính chỉ hiển thị những dòng văn bản buồn tẻ, cho đến khi máy tính Macintosh của Apple ra đời, giới thiệu tính năng đổi font và kiểu chữ. Theo như bài phát biểu của Steve Jobs tại Đại học Stanford cách đây vài năm, điều này chủ yếu là do ông yêu thích kỹ thuật tạo kiểu chữ.
Việc đoán trước một thị trường, thay vì đáp ứng thị trường, là chìa khoá thành công của mọi ngành. Chrysler đã làm được điều này vào thập niên 80, khi hãng mượn một thiết kế xe thương mại và chuyển thành minivan. Sau đó, American Motors thêm hai cửa sau cho mẫu Jeep Cherokee SUV và biến phân khúc thị trường khá nhỏ và chuyên biệt thành thị trường chính yếu. Gần đây, có BMW đã đi đúng hướng khi khôi phục thương hiệu MINI, nhắm vào giới trẻ, dân hippie và những khách hàng bình dân mà không khiến thương hiệu chính là BMW rẻ tiền đi.
Tập trung vào cả phong cách và mã lực.
Về cơ bản, mọi laptop đều được thiết kế theo cùng một khuôn mẫu, với bộ xử lý, màn hình, bàn phím và một giao diện đầu vào. Về kích thước thì có cái lớn, có cái nhỏ. Nhưng máy tính của Apple thì khác hẳn, với thiết kế vừa đơn giản, vừa thanh lịch. Một lý do khiến máy tính Apple có giá bán lại cao là sau vài năm, hình thức máy không bị lạc hậu.
Với ô tô cũng có một ví dụ tương tự như sản phẩm của Apple, đó là xe Fiat 500, với phong cách thiết kế khéo léo. Đơn giản và dễ thương là đặc tính của mẫu xe này từ thời kỳ đầu cho tới nay. Ngược lại là những mẫu xe có thiết kế quá đặc biệt như Hyundai Veloster và Nissan Juke có nguy cơ lỗi mốt và gây chán cao.
Ra mắt mẫu mới một cách chấn động chứ không lặng lẽ.
Các nhà sản xuất ô tô thích ra mắt xe mới tại các triển lãm chuyên ngành, thường diễn ra vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Họ thường ra mắt sản phẩm trước đông đảo những phóng viên mà hầu hết sau đó viết tin, bài giới thiệu xe theo kiểu “làm tròn trách nhiệm”, chứ không phải với sự cuồng nhiệt của một tín đồ. Rồi thường là sau đó vài tháng, xe sẽ không kèn không trống lặng lẽ có mặt tại các showroom.
Các hãng ô tô cần tạo ra sự hứng thú, quan tâm tương tự như Apple đã làm được trong mấy năm gần đây mỗi khi giới thiệu sản phẩm mới. Hãy ra mắt các mẫu xe trong một buổi lễ trang trọng, trước khán đài chật kín khách hàng trung thành và đảm bảo rằng xe sẽ có mặt tại các showroom chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau đó, khi sự quan tâm của khách hàng còn chưa nguội. Ngay cả với một mẫu xe không hoàn toàn mới, mỗi năm ít nhất hãy giới thiệu một tính năng “tuyệt vời” nào đó để duy trì khả năng cạnh tranh.
(Còn tiếp…)
Nhật Minh
Theo Forbes