Alibaba nuôi tham vọng thâu tóm Yahoo!
“Chúng tôi rất quan tâm đến việc mua lại Yahoo!” Chủ tịch Alibaba Jack Ma phát biểu tại một sự kiện hôm 30/9. Theo Jack Ma, những rào cản đối với tham vọng này của Alibaba là “những vấn đề chính trị” thay vì tài chính.
Yahoo! hiện đang là cổ đông nắm giữ 40% cổ phần của Alibaba, và nếu mua lại được Yahoo!, Jack Ma sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với công ty mà ông đã sáng lập cách đây 12 năm. Ngoài Yahoo!, Alibaba còn thuộc quyền sở hữu của nhiều cổ đông khác, bao gồm ngân hàng Softbank của Nhật Bản, quỹ đầu tư lợi ích quốc gia Temasek của Singapore…
Kể từ khi Yahoo! mua lại cổ phần của Alibaba hồi năm 2005, công ty này đã tụt hậu so với đối thủ Google trên thị trường tìm kiếm trực tuyến ở Mỹ, trong khi số người sử dụng Internet của Trung Quốc tăng gấp 5 lần lên khoảng 500 triệu người. Tháng trước, Yahoo! sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Carol Bartz.
“Jack Ma có động lực lớn trong việc thâu tóm Yahoo! nhằm giành lại quyền kiểm soát số phận của Alibaba. Hiện tại, Yahoo đang mất phương hướng sau vụ sa thải CEO Carol Bartz và nhiều năm ròng để tuột mất thị phần”, ông Duncan Clark, Chủ tịch hãng tư vấn viễn thông BDA Trung Quốc, nhận xét.
Theo ông Clark, mối quan hệ hiện có của với Yahoo! có thể sẽ đem đến cho Jack Ma lợi thế trong việc đạt thỏa thuận. Ông Clark cũng cho rằng, nếu hai bên không đi tới được sự hợp nhất, Yahoo! rồi sẽ rơi vào cảnh “chìm dần vào quên lãng”.
Hiện Yahoo đang rà soát lại chiến lược và tìm kiếm một vị CEO mới thay thế cho Bartz, người đã không đảo ngược được sự suy giảm tăng trưởng hay kháng cự lại sức cạnh tranh quyết liệt của Google và Facebook. Theo một bản ghi nhớ từ Yahoo! có chữ ký của hai người đồng sáng lập Jerrry Yang và David Filo cùng Chủ tịch Roy Bostock, quá trình rà soát chiến lược này có thể phải mất vài tháng chứ không phải là vài tuần.
Về phần mình, Alibaba đang mở rộng các dịch vụ tìm kiếm sau khi đã đạt ngôi vị thống lĩnh thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc. Tháng trước, một nhóm các quỹ đầu tư gồm DST Global, Silver Lake và Temasek đã rót vốn vào Alibaba Group – công ty hiện điều hành Alibaba.com, Taobao.com và Yahoo! Trung Quốc -theo đó công ty này được định giá ở mức 32 tỷ USD.
Theo giới phân tích, việc Yahoo! duy trì tình trạng “què quặt” như hiện nay có thể tốt cho Jack Ma. “Bất kỳ ai muốn mua lại Yahoo! cũng sẽ có được 40% cổ phần trong Alibaba Group, và điều này đem tới những bất ổn cho vai trò của Jack Ma. Chừng nào Yahoo! còn ‘ốm yếu’ như hiện nay, chừng đó Jack Ma còn cảm thấy an toàn”, ông Li Muzhi, một nhà phân tích thuộc công ty Mizuho Securities ở Hồng Kông, nhận định.
Cùng quan điểm này, chuyên gia Clark cho rằng, cổ đông của Yahoo! sẽ ra sức tìm kiếm một đối tác mua lại “đáng tin cậy” hơn Alibaba. Tuy nhiên, ông Clark nhận định, việc “về chung một nhà” với Alibaba có lẽ là một giải pháp tốt cho Yahoo!.
Các nhà đầu tư tài chính thường thuê các CEO giỏi để cải thiện tình hình ở các công ty mà họ mua lại, sau đó chỉ vài tháng hoặc vài năm là sa thải CEO đó nếu vị CEO không đáp ứng được kỳ vọng, tương tự như đã diễn ra ở Yahoo! hay hãng máy tính HP. “Tuy có một số rào cản văn hóa, nhưng Alibaba khó có thể lãnh đạo Yahoo! tệ hơn đội ngũ lãnh đạo trước của Yahoo!”, ông Clark nhận định.
Theo chuyên gia này, Alibaba được tiếp cận với lực lượng nhân tài công nghệ của Trung Quốc, và đây là một giải pháp không tồi cho Yahoo. Trong khi đó, có được Yahoo!, Alibaba sẽ được tiếp cận với thị trường Mỹ rộng lớn.
Cũng theo ông Clark, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ có thể ngăn cản việc Alibaba tiến tới mua lại Yahoo!, nhưng “điều gì cũng có thể xảy ra” khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử.
Khi Jerry Yang còn là CEO của Yahoo! hồi năm 2008, công ty này đã từng từ chối một thương vụ chào mua trị giá 47,5 tỷ USD từ Microsoft. Về sau, hai bên đã ký thỏa thuận trong đó Yahoo! sử dụng công nghệ tìm kiếm của Microsoft.
Giữa tháng 9 vừa qua, một số nguồn tin thân cận cho biết, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Silver Lake cũng có cân nhắc chào mua Yahoo!. Theo dự định, Silver Lake sẽ bán lại các tài sản của Yahoo! ở châu Á, sau đó nỗ lực tạo sự chuyển biến tích cực cho các hoạt động chính rồi tìm khách để bán lại công ty này.
Theo An Huy
VnEconomy