60% lượng khí thải độc hại phá huỷ tầng Ozone có nguồn gốc từ Trung Quốc
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra Trung Quốc chính là “thủ phạm” làm loại hóa chất bị cấm trên toàn cầu 30 năm qua là CFC-11 gia tăng bùng phát. 40-60% tổng lượng khí CFC-11 trên toàn cầu có nguồn gốc từ miền đông Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong 197 quốc gia trên thế giới ký kết Nghị định thư Montreal. Đây là một hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và hạn chế sản xuất khí chlorofluorocarbons (CFC), các hóa chất được sử dụng trong tủ lạnh và các loại mút xốp có tác dụng phụ xuyên thủng tầng ozone bảo vệ Trái đất.
Tuy nhiên, từ năm 2013, lượng khí Trichlorofluoromethane (CFC-11) trên toàn cầu đã gia tăng đáng kể, theo Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Canada.
Sự gia tăng lượng khí nói trên khiến người ta nghi ngờ có quốc gia nào đó đã bí mật vi phạm Nghị định thư Montreal. Do hạn chế của các thiết bị, phương tiện đo lường nên tại thời điểm đó, các nhà khoa học chỉ thấy được khí thải có dấu vết từ khu vực Đông Á.
Ngày 22/5 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol, Đại học Quốc gia Kyungpook và Viện Công nghệ Massachusetts đã phát hiện: 40-60% tổng lượng khí thải CFC-11 trên toàn cầu có nguồn gốc từ miền đông Trung Quốc.
Thông qua mạng lưới các thiết bị đo lường quốc tế được thiết kế để xác định và theo dõi lượng khí thải trong bầu khí quyển, nhóm nghiên cứu này đã nghiên cứu dữ liệu từ các thiết bị ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Dữ liệu cho thấy lượng khí thải CFC-11 tăng vọt từ năm 2013. Sau khi phân tích lượng gió và thời tiết nhằm xác định nguyên nhân làm gia tăng khí thải, họ phát hiện nguồn gốc của khí thải đến từ khu vực phía đông Trung Quốc đại lục, xung quanh tỉnh Sơn Đông.
“Không còn nghi ngờ gì nữa”, Tiến sĩ Matthew Rigby, tác giả của nghiên cứu đồng thời là Phó Giáo sư về hóa học khí quyển tại Trường hóa học thuộc Đại học Bristol cho biết.
Năm 2018, hai Cơ quan Điều tra Môi trường và báo New York Times đã công bố các báo cáo, trong đó đề cập đến việc các nhà sản xuất Trung Quốc xác nhận họ đã sử dụng khí CFC-11 cho hoạt động sản xuất mút xốp.
Các nhà sản xuất nói với EIA (tổ chức phi chính phủ điều tra về môi trường) rằng, họ tiếp tục sử dụng sản phẩm bị cấm vì chất lượng của nó tốt hơn và giá thành rẻ hơn. Theo New York Times, một số nhà máy đang bí mật sản xuất khí CFC-11, và các nhà sản xuất khác cho biết chính quyền địa phương nhắm mắt làm ngơ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Matthew Rigby cho biết, các nhà khoa học và nhà chức trách địa phương không biết rõ có bao nhiêu nhà sản xuất khí thải ở Trung Quốc. Chỉ riêng trong khu vực này đã có khoảng 7.000 tấn khí CFC-11, tính từ năm 2013.
Ngoài ra, Rigby còn nói: “Vào thời điểm đó, nó gấp đôi lượng khí thải mà chúng tôi dự đoán cho Trung Quốc. Nó chiếm phần đáng kể trong mức tăng lượng khí phát thải trên toàn cầu mà chúng ta đã nhìn thấy? Những gì chúng tôi phát hiện ra trong nghiên cứu này, đó là nó tác động đến toàn thế giới”.
Rigby cũng đề cập, CFC-11 là một loại khí nhà kính, khi khí hậu ấm lên thì nó sẽ mạnh hơn “khí carbon dioxide khoảng 5.000 lần”.
Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc đã đàn áp các nhà sản xuất khí CFC-11 bất hợp pháp và đóng cửa các cơ sở sản xuất này. Matthew Rigby hy vọng, với kết quả nghiên cứu mới đây sẽ giúp ích cho các quan chức trong việc thực thi pháp luật, tìm ra các nhà sản xuất khí CFC-11 bất hợp pháp.
Do mạng lưới giám sát còn hạn chế, Matthew Rigby cho biết nhóm nghiên cứu không xác định một cách chắc chắn những nơi phát thải ra khí CFC khác. Họ không có thông tin liên quan đến các khu vực như Nam Mỹ, miền tây Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo báo cáo năm 2018 của Liên Hợp Quốc, do sự tiến triển của Nghị định thư Montreal, lỗ thủng tầng ozone khổng lồ hình thành tại vùng Nam Cực dự đoán có thể được hoàn toàn hồi phục vào giữa thế kỷ này.
Nhưng Matthew Rigby cho biết, nếu lượng khí thải ngày càng gia tăng từ miền đông Trung Quốc không sớm được ngăn chặn, thì quá trình phục hồi tầng ozone có thể bị trì hoãn, kéo dài đến hàng thập kỷ.
Trương Mai (Theo National Post)
Xem thêm: