5 người phụ nữ uy quyền nhất trong lịch sử Việt Nam
Những người phụ nữ này đáng được tôn vinh bởi những đóng góp to lớn của họ với quốc gia và dân tộc. Hai Bà Trưng, nguyên phi Ỷ Lan hay hoàng hậu Ngọc Hân là những người phụ nữ như vậy.
1. Hai Bà Trưng – Nữ vương đầu tiên trong lịch sử
Danh hiệu này dành cho hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn vào loại sớm nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như trong lịch sử nhân loại, chống xâm lược, nô dịch.
“Trưng Trắc là người can đảm, hùng dũng” (lời thừa nhận của bộ chính sử chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào loại cổ nhất của Trung Quốc) đã cùng em gái đứng đầu cuộc khởi nghĩa liên kết được sức mạnh toàn dân, trong đó có đông đảo phụ nữ, như các nữ tướng: Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Thiều Hoa… và toàn quốc, không chỉ gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là miền đất Việt Nam ngày nay, từ nam Trung Bộ trở ra, mà cả đất Hợp Phố bây giờ là nam Quảng Đông – Trung Quốc.
Sau đó, nhà Hán sai lão danh tướng Phục Ba tướng quân Mã Viện cầm đầu đại quân sang tái xâm lược, Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc, tổ chức kháng chiến đánh những trận lớn từ Tây Vu, Lãng Bạc đến Cấm Khê và cuối cùng đã hy sinh vào mùa hè năm 43, để lại tấm gương oanh liệt nghìn thu.
2. Nguyên phi Ỷ Lan – Mẫu nghi thiên hạ, tài sắc vẹn toàn
Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là Yến Loan.
Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong Yến Loan là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.
Nguyên phi Ỷ Lan. (Tranh minh họa từ Internet)
Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính. Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống.
Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập bàn thờ Ỷ Lan. Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (tức hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu.
Triều đình rối ren, Ỷ Lan đã coi triều chính, điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống sang xâm lược (1075 và 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến.
Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý, mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.
Không chỉ giỏi đánh giặc, phụ nữ Việt Nam còn giỏi trị quốc. Đó là hình ảnh của Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044-1117), một trong những danh nhân huyền thoại của dân tộc Việt Nam bởi có tài trị nước xuất chúng.
3. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Bức họa sơn dầu về Ngọc Hân Công Chúa tại Dinh Độc Lập. (Ảnh: Wiki)
Trong lịch sử Việt Nam, có một nhân vật nữ nổi tiếng, được sử sách nhắc nhiều nhất là công chúa Lê Ngọc Hân (1770 – 1799) – con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông và đồng thời là Bắc cung hoàng hậu của Hoàng đế Quang Trung.
Vì giỏi văn thơ, Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. Nguyễn Huệ cũng được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân hiếm có. Không chỉ yêu vì nết, Nguyễn Huệ còn trọng Ngọc Hân vì tài, nên giao coi giữ các văn thư trọng yếu, phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ.
Không chỉ vậy, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng; đồng thời khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc…
4. Bác Huệ Thái Hoàng Thái hậu Từ Dụ
Chân dung Thái hậu Từ Dụ. (Ảnh sưu tầm từ Internet)
Bà là chính thất của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Tên thời con gái là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810 tại huyện Tân Hòa, Gia Định (nay là thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang). Bà được ca ngợi về đức hạnh và tính tiết kiệm cũng như uy quyền trong gia đình mà vua Tự Đức luôn phải kính nể và nhất mực nghe lời.
Truyện về nhà Nguyễn kể rằng, có lần Tự Đức mải mê đi săn trong rừng Thuận Trực, gặp nước lụt chưa thể về cung trong khi 2 ngày nữa là giỗ vua cha Thiệu Trị, Thái hậu sốt ruột phải cử đại thần Nguyễn Tri Phương đưa thuyền đi đón.
Về đến Hoàng cung, vua Tự Đức vội vàng lên kiệu trần đến cung Diên Thọ dù trời đang mưa, nằm phục dưới thềm, đặt chiếc roi lên mâm son chờ Hoàng thái hậu Từ Dụ đòn phạt. Tuy sau đó Thái hậu nguôi giận, không phạt roi vua, nhưng chuyện này đã được dựng thành tích cải lương “Tự Đức dâng roi”, thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của người con ngay cả khi giữ vị trí cai trị quân dân cả nước.
Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Nghe lời dạy bảo của bà, Tự Đức không chỉ là vị vua chí hiếu, mà luôn thể hiện tinh thần yêu nước và rất siêng năng việc triều chính.
Nói về công đức của Thái hậu Từ Dụ, triều đình nhà Nguyễn thời Tự Đức có dâng bài Tụng biểu dương đức tốt của Bà gồm 82 đoạn, mỗi đoạn thường là một bài ngũ ngôn tứ tuyệt. Xin trích một đoạn nói về đức độ của bà như sau:
“Ưa trung trực liêm chính, Ghét tham ô gian tà, Lòng nhân thương kẻ khó, Ghét du đãng xa hoa”. (Đại Nam liệt truyện)Ngày nay, Bệnh viện phụ sản Sài Gòn mang tên “Từ Dũ” là để ghi nhớ công đức của bà.
Tổng hợp