Lộ diện “hiệp sĩ diệt spam” trên cộng đồng Google+ Việt
Một cá nhân đã nhiệt tình bỏ thời gian săn lùng các spammer đang làm mưa làm gió trên Google+ Việt Nam.
Chắc hẳn người dùng không ít lần phải phát bực với những thông tin khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, dịch vụ (hay còn gọi là spam) được đăng tải lặp đi lặp lại trên các diễn đàn hay bất cứ nơi nào “có thể bình luận được” trên internet.
Google+, mạng xã hội của Google mới ra mắt chưa lâu cũng phải chịu cảnh khốn đốn vì spammer liên tục lộng hành. Thậm chí giới online marketing còn coi đây là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ quảng cáo trực tuyến.
Vừa “im lặng, yêu thương”, vừa… spam.
Cộng đồng Google+ có lẽ cũng đành bất lực bởi những chiêu PR rất “quái” như tạo tài khoản có tên đẹp, ảnh đại diện đẹp, chủ động kết bạn để spam, hay chủ động nhảy vào một cuộc nói chuyện với bình luận rất lịch sự: “xin các bạn chút thời gian nhé, hiện nay bên mình đang có sản phẩm…”. Thậm chí, một số người dùng khẳng định rằng, mỗi lần vào Google+ là y rằng có một thông tin spam mới hiện lên trên trang chủ.
Tuy nhiên, cư dân Google+ cũng không thiếu những cá nhân khá “nghĩa hiệp” với những hành động vì cộng đồng rất đáng trân trọng. Tiêu biểu là sự xuất hiện của tài khoản Nguyễn Nhân Đạo, một cá nhân đã nhiệt tình bỏ thời gian săn lùng các spammer đang làm mưa làm gió trên Google+.
Tài khoản Nguyễn Nhân Đạo.
Nguyễn Nhân Đạo thường đưa ra bằng chứng rõ ràng của hành động spam (đăng ảnh chụp lại đoạn thông tin quảng cáo của spammer), dẫn link tới tài khoản đó và “tag” bạn bè vào bài đăng để góp sức báo sai phạm tài khoản đang liên tục spam vô tội vạ kia.
Hành động này được cộng đồng Google+ hưởng ứng nhiệt tình, bởi nhiều người báo sai phạm cùng một lúc là cách tốt nhất khiến các spammer “không còn đất sống”. Nguyễn Nhân Đạo đã giúp truy lùng ra các tài khoản vi phạm, công việc của cộng đồng chỉ là giúp hoàn thành nốt công việc còn lại mà thôi.
“Bắt quả tang” hành động spam.
Hi vọng trong thời gian tới, người dùng sẽ được chứng kiến nhiều tấm gương khác góp phần giúp loại bỏ tình trang spammer đang có nguy cơ trở thành “vấn nạn” trong thế giới mạng.
(Tổng hợp) Genk