Đằng sau sự bình lặng của nước Nga
Trước việc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) công bố chế tài thêm 5 ngân hàng lớn của Nga, tổng thống Putin vẫn giữ thái bình lặng, thậm trí còn đưa ra các lời cảnh báo ngược lại. Thế nhưng đằng sau sự bình lặng đó, nước Nga đã bắt đầu chia rẽ.
Petrov, một nhà phân tích chính trị độc lập của Nga, và các chuyên gia chỉ ra rằng việc chiếc Boeing của Malaysia Airlines rơi tại vùng chiến sự ở miền đông Ukraine hôm 17/7 đã làm xáo trộn mọi nước cờ của của Putin.
Trước MH17, tổng thống Nga vẫn nắm được các dây cương và duy trì được sự ủng hộ từ công chúng, những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, các cơ quan an ninh, các nhà tài phiệt và cộng đồng kinh doanh theo tư tưởng tự do.
“Cho đến khi thảm họa xảy ra, mọi tính toán của ông Putin đều tốt, xét về khả năng giành chiến thắng ở bất kỳ cuộc đấu chiến thuật nào”, ông Petrov nói.
Vụ rơi máy bay làm tình hình rẽ sang một hướng khác, Tây Âu quyết liệt thay đổi thái độ đối với Nga, theo ông Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, một cơ quan nghiên cứu nổi tiếng của Nga.
Bên trong nước Nga, cảm giác giận dữ trước nguy cơ bị cô lập đang lớn dần. Alexei Kurdin, cựu bộ trưởng Tài chính, đồng minh thân cận của Putin, tuần trước công khai chỉ trích chính sách của Kremlin trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass.
Ông Kurdin bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ra “cuộc đối đầu lịch sử” và làm chậm sự phát triển của Nga. Cộng đồng kinh doanh không thích việc các cơ quan truyền thông đưa tin nhiều hơn theo xu hướng bài Tây, bởi không muốn Nga lại trở thành kẻ thù của phương Tây một lần nữa.
“Trong kinh doanh, mọi việc rất khác, các doanh nhân muốn được đầu tư, xây dựng nhà máy và phát triển thương mại”, ông nói.
Mức độ phụ thuộc năng lượng của các nước châu Âu vào Nga. (Đồ họa: NYT)
“Tôi cho rằng chúng ta đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng”, Lev Gudkov của Trung tâm Levada nói trước một cử tọa tuần này. “Nhưng xã hội của chúng ta, trong niềm hân hoan và lòng ái quốc, chưa nhận ra điều đó. Dù người trong nước Nga không phản ứng nhiều với khủng hoảng MH17, phương Tây đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về Nga”, ông Gudkov cảnh báo.
“Chắc chắn có một sự chia rẽ, nhưng phe ôn hòa trong chính phủ không có đủ phương tiện buộc Putin có những hành động thực tiễn”, Vladimir Milov, cựu thứ trưởng Bộ năng lượng Nga, nói.
Các quan chức Nga chủ trương tuyệt giao với phương Tây tin rằng bất cứ mất mát nào đều có thể được bù đắp từ hợp tác với Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nhưng, họ không nhận ra rằng những ngân hàng đang cấp nhiều tỷ USD tín dụng dài hạn cho các công ty Nga đều xuất phát từ phương Tây, ông Milov nhận định.
Theo Vnexpress, New York Times