Máy bay siêu thanh của Lầu Năm Góc mất tích
Lầu Năm Góc vừa cho hay, họ đã mất liên lạc với Falcon HTV-2 – chiếc máy bay siêu thanh không người lái được thiết kế như một mô hình máy bay ném bom toàn cầu.
Falcon HTV-2 là chiếc máy bay không người lái đang trong quá trình thử nghiệm. Nó được thiết kế nhằm ứng phó cực nhanh trước những mối đe dọa toàn cầu và có thể lướt qua khí quyển với tốc độ khoảng 21.000 km/h – cao gấp 20 lần sao với tốc độ của âm thanh. Hiện tại, chiếc máy bay này đang bị mất liên lạc với bộ phận kiểm soát trên mặt đất trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ 2 của mình.
Cơ quan Nghiên cứu Đề án Cao cấp Quốc phòng của Hoa Kỳ (DARPA) cho biết, Falcon HTV-2 được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg ở California trên một tên lửa và sau đó, nó đã tách thành công ra khỏi tên lửa khởi động này.
Falcon HTV-2 – máy bay không người lái bị mất tích trong quá trình thử nghiệm |
Theo dự tính, chiếc máy bay hình đầu mũi tên này sẽ tách ra khỏi tên lửa rồi lượn trở lại trái đất, đạt tốc độ siêu thanh trước khi chạm rồi chìm xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nó đã bị mất liên lạc trước khi quá trình trên xảy ra.
Chiếc máy bay siêu thanh với tốc độ 21.000 km/h này từng là niềm tự hào của nước Mỹ và được cho là sẽ giúp quân đội nước này nhắm tới được các mục tiêu khó khăn nhất ở bất cứ nơi đâu trên trái đất chỉ trong khoảng thời gian tính bằng phút với những loại vũ khí thông thường.
Philip Ewing, một biên tập viên của tạp chí online DOD Buzz đã nói với tờ Al Jazeera: “Trong suốt thập kỉ qua hoặc có thể là từ trước đó, Lầu Lăm Góc đã ôm giấc mộng có được một thứ mà họ gọi là vũ khí toàn cầu có khả năng tiêu diệt nhanh chóng bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng một giờ đồng hồ. Có thể họ đã rút ra được bài học quý giá sau sự việc này, đặc biệt là trong việc đối phó với một loại vũ khí siêu tốc như vậy”.
Ông Ewing nói thêm: “Có thể Mỹ sẽ cho rằng những lỗi như thế hiển nhiên có thể gặp phải trong quá trình phát triển loại công nghệ mới như thế, nhưng sự cố ngày hôm nay sẽ là lời cảnh báo cho các dự án khác của họ trong tương lai”.
Những loại vũ khí như vậy hiện vẫn đang trong quá trình phát triển, và chúng là một phần trong số những thứ mà Không quân Mỹ gọi là “loại vũ khí có khả năng tấn công toàn cầu”.
Trên trang web của mình, DARPA có viết: “Mục tiêu cuối cùng khi tạo ra loại vũ khí đó là giúp Mỹ có thể hạ gục bất cứ mục tiêu nào trên trái đất chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ”.
Khoảng 10 phút sau khi chuyến bay thử nghiệm của chiếc máy bay này bắt đầu vào hôm qua (11/8), DARPA đã khẳng định nó đang “đi đúng hướng và bắt đầu vào giai đoạn quay xuống trái đất”. Tuy nhiên, khoảng 26 phút sau đó, DARPA tuyên bố họ đã mất liên lạc với siêu vũ khí này.
Đây được xem là một thất bại lớn không phải lần đầu của DARPA. Vào tháng 4 vừa qua, các nhà nghiên cứu cũng từng mất liên lạc trong vòng 9 phút với chiếc máy bay này trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Minh Quân