Sự gian trá của các lãnh đạo ĐCSTQ
Báo The New York Times (Mỹ) nhận định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang rối tung sau khi 2 quan chức hàng đầu của nước này đưa ra quan điểm hoàn toàn khác nhau hôm 15/5.
Trong bài phát biểu tại Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân với Nước ngoài ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16/5, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, luôn theo đuổi niềm tin vững chắc vào hòa bình, tình hữu nghị và sự hòa thuận. Người Trung Quốc không có gen xâm lược nước khác hay thống trị thế giới bằng máu, không chấp nhận một logic rằng một quốc gia mạnh cứ phải làm bá chủ.Trung Quốc sẵn sàng sống hòa thuận với tất cả người dân trên thế giới trong một sự phát triển hài hòa, cùng nỗ lực vì hòa bình, bảo vệ hòa bình và sống trong hòa bình”.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân với Nước ngoài ở Bắc Kinh ngày 15/5. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Báo The New York Times cho rằng những phát ngôn của ông Tập Cận Bình trái ngược hoàn toàn với những gì Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Phòng Phong Huy, phát biểu tại Mỹ cùng ngày. Ông này đang có chuyến thăm Lầu Năm Góc và phát biểu tại cuộc họp báo với Tướng Martin Dempsy, Chủ tịch Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Khi được hỏi về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới giàn khoan Hải Dương981, ông Phòng Phong Huy nói: “Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi không tạo ra rắc rối. Thế nhưng, chúng tôi không sợ rắc rối. Trong các vấn đề, chuyện liên quan tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quan điểm của chúng tôi là kiên định”. Tướng Trung Quốc nói rằng “không chấp nhận để mất một tấc đất nào liên quan đến vùng lãnh thổ tại các đường biên của nước này do tổ tiên để lại”.
Tổng Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh. Ảnh: CRI.CN
Trong khi đó, báo The Wall Street Journal ngày 16/5 nhận định Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho việc hạ đặt giàn khoan .
Tại cuộc họp báo trong chuyến công du Mỹ, Tướng Phòng Phong Huy nói giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải của Trung Quốc vì nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ một trong số các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau cuộc họp báo, các quan chức Mỹ phản đối tuyên bố của ông Phòng, nói rằng giàn khoannằm cách 17 hải lý so với điểm cực Nam của Hoàng Sa.
Trong cuộc họp báo ngày 16/5, Tổng Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh thừa nhận giàn khoan nằm cách 17 hải lý tính từ điểm gần nhất của Hoàng Sa. Vì thế, theo ông này, đó là một phần của vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc, chứ không phải lãnh hải, theo luật quốc tế.
Wall Street Journal tiếp tục tấn công luận điểm của ông Âu Dương. Tờ báo dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho rằng một quốc gia có các quyền chủ quyền đối với lãnh hải (12 hải lý từ đường cơ sở) nhưng đối với vùng tiếp giáp lãnh hải thì chỉ được phép thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư, vệ sinh. Trong các nguyên tắc đó không có việc khoan dầu.
Theo Báo Người Lao Động