9 Loài Rắn Gây Chết Người Nhất Thế Giới
9 Loài Rắn Gây Chết Người Nhất Thế Giới
Một số loài rắn nguy hiểm nhất thế giới rất hung hăng và luôn sẵn sàng tấn công, trong khi những loài khác chứa nọc độc mạnh nhưng chỉ cắn khi đó là phương sách cuối cùng.
Dưới đây là chín loài rắn gây chết chóc nhiều nhất, những sinh vật đáng sợ với nọc độc và khả năng ẩn mình.
9. Rắn Mamba Đen (Dendroaspis polylepis)
Khu vực: Trung tâm và miền đông Châu Phi.
Chiều dài trung bình: 7-9 feet (2 – 3 mét)
Nọc của Mamba Đen có thể giết chết một người trong vòng từ 30 phút đến 2 tiếng nếu nạn nhân không được tiêm thuốc chống nọc độc. Các triệu chứng ban đầu bao gồm buồn ngủ, các vấn đề thần kinh, tê liệt và khó thở. Loài rắn này rất hung hăng và di chuyển mau lẹ. Chúng trú ngụ trong các bụi rậm và cây cối. Loài Mamba Đen không hẳn có màu đen mà màu sắc của chúng đa dạng từ màu oliu đến nâu.
8. Rắn Terciopelo (Bothrops asper) hay Rắn Mũi Thương
Khu vực: miền Nam và Tây Mexico, Trung Mỹ, miền Bắc Colombia và Ecuador.
Chiều dài trung bình: 4.5- 6 feet (1-2 mét)
Nọc của Terciopelo tấn công vào máu, gây ra sự đông máu làm chết người. Nó có rất nhiều tên gọi tùy theo khu vực sống, như là barba amarilla, macagua, râu vàng, cằm vàng, hay fer-de-lance. Rắn con phát triển trong cơ thể của rắn cái, một cá thể rắn có thể sinh sản tới 100 rắn con.
7. Rắn Boomslang (Dispholidus typus)
Khu vực: Trung tâm và miền Nam Châu Phi.
Chiều dài trung bình: 4-5 feet (1.2- 1.5 mét)
Loài rắn này có khả năng ngụy trang thành một cành cây khi săn mồi, nó có thể dựng đứng thân lên và gần như bất động trên cây. Loài Boomslang là một ví dụ hiếm hoi về loại rắn có nanh sau mà có thể giết người. Các loài rắn nanh sau thường vận chuyển từ từ một lượng nọc độc nhỏ.
Loài Boomslang thông thường chỉ cắn khi bị chạm vào. Chúng có thể cư trú trong các hệ sinh thái khác nhau, mặc dù có xu hướng ở gần các khu vực ẩm ướt hơn là những vùng có tính sa mạc; chúng sinh sống trong các bụi cây thấp và rậm rạp. Loài rắn này có tuổi đời khoảng 8 năm.
6. Rắn Hổ phương Đông (Notechis scutatus)
Khu vực: Một số vùng phía Nam và phía Đông nước Úc.
Chiều dài trung bình: 3- 6 feet (1- 1.8 mét)
Nọc của rắn Hổ phương Đông là loại độc tố thần kinh, tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương. Nó còn gây ra tổn thương cơ bắp và đông máu. Với việc phân hủy mô cơ, nó có thể dẫn đến hỏng thận.
Chúng chỉ cắn khi đó là phương sách cuối cùng. Khi bị ép buộc, đầu tiên chúng thít cổ lại và dựng đầu lên đe dọa đối thủ. Sau đó chúng sẽ giả vờ tấn công, đồng thời huýt gió hoặc phát tiếng kêu xì xì.
Rắn Hổ phổ biến nhất ở Tasmania, Úc. Tại đây có tới 26 con rắn mới trưởng thành được tìm thấy khi chúng đang ngủ đông. Rắn Hổ có tập tính di chuyển; chúng ít khi ở một nơi quá 15 ngày.
5. Rắn Lục Vảy Răng Cưa (Echis Carinatus)
Khu vực: Trung tâm và miền tây nam Châu Á, từ Ấn độ qua Afghanistan và vào tới miền đông Iran.
Chiều dài trung bình: 1-2 feet (0.4-0.6 mét)
Đây là loài rắn rất hung hăng, tức là chúng thường hay cắn. Mặc dù nọc của chúng giết ít hơn 10% những nạn nhân không được điều trị kịp thời, người ta tin rằng chúng đã giết người nhiều hơn bất kỳ loài rắn nào trên thế giới bởi vì thói quen cắn của chúng.
4. Rắn Cạp Nong (Bungarus fasciatus)
Khu vực: Đông Nam Á, từ Indonesia tới miền Nam Trung Quốc và đi qua miền Đông Ấn Độ.
Chiều dài trung bình: 5.5 feet (1.6 mét)
Nọc độc của rắn cạp nong có thể gây tê liệt bằng cách tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương. Chúng từng được gọi là “rắn năm-bước” trong cuộc chiến tranh Việt Nam bởi vì được kể lại rằng một người sẽ chết trong vòng năm bước sau khi bị rắn cắn. Trên thực tế, nọc độc này cần đến hơn 8 tiếng để giết một người.
Một con rắn cạp nong bằng cỡ chiếc bút chì đã giết nhà nghiên cứu rắn Joe Slowinski tại Burma năm 2001. Loài rắn này thích những nơi ẩm ướt, những nơi đồng không mông quạnh, đồng cỏ, vùng trồng trọt, hoặc rừng thưa thấp.
3. Rắn Hổ mang Chúa (Ophiophagus hannah)
Khu vực: miền Đông và Đông Nam Á.
Chiều dài trung bình: 10 feet (3 mét)
Hổ mang chúa là loài rắn độc lớn nhất trên thế giới, con trưởng thành dài tới 18.5 feet (4.5 mét) và nặng 45 pounds (hơn 20 kg). Nó có thể tiêm một lượng nọc độc lớn vào con mồi, đủ để giết chết một người trong vòng nửa giờ đồng hồ. Các triệu chứng ban đầu chủ yếu liên quan đến thần kinh. Loài rắn này bơi rất giỏi và được tìm thấy chủ yếu ở gần sông hồ. Chúng hoạt động cả ngày và dành phần lớn thời gian trên mặt đất, đôi khi chúng ở trên cây, dưới nước và trong bụi rậm.
2. Rắn Taipan Ven Biển (Oxyuranus scutellatus)
Khu vực: miền Bắc nước Úc, miền Nam Papua New Guinea, và miền Nam Indonesia.
Chiều dài trung bình: 6.5 feet (2 mét)
Vết cắn của loài rắn này gây chết người trong hơn 80% trường hợp và nọc của chúng có thể giết một người trong vòng nửa giờ đồng hồ. Ban đầu nạn nhân sẽ trải qua cảm giác buồn ngủ, mờ mắt, co giật, và khó thở.
1. Rắn Taipan Nội Địa hoặc phương Tây (Oxyuranus microlepidotus)
Khu vực: Nội địa Úc
Chiều dài trung bình: 6 feet (1.8 mét)
Nọc độc từ một vết cắn của loài rắn này đủ để giết 100 người đàn ông trưởng thành, tương đương với hơn 200 000 con chuột. Còn được gọi là “ác xà”, Taipan Nội địa là loài rắn độc nhất trên thế giới. May thay, rất hiếm có trường hợp người bị loài rắn này cắn, và phần lớn trường hợp bị loài này cắn đều được chữa khỏi
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên