Mỹ và EU ‘trừng phạt’ Nga
Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của 21 quan chức Nga và Ukraine.
Người dân Crimea đổ ra đường mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý
Mỹ cũng nói áp dụng lệnh trừng phạt tài chính với nhiều quan chức Nga cùng bốn lãnh đạo ở Crimea.
Lệnh trừng phạt đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Giới chức tại đó nói 97% cử tri ủng hộ gia nhập Nga và tách khỏi Ukraine.
Tên 21 quan chức chưa được tiết lộ, nhưng họ bị EU xem là đóng vai trò chính trong cuộc trưng cầu.
Cùng ngày thứ Hai, trong cuộc họp báo tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama cho hay Mỹ ‘sẵn sàng để áp đặt thêm lệnh trừng phạt’ tùy vào thái độ của Nga có làm tăng hay giảm căng thẳng ở Ukraine.
Nếu Moscow tiếp tục can thiệp vào Ukraine, ông Obama cảnh báo, thì Nga sẽ “không đạt được gì ngoài sự cô lập”.
Lực lượng thân Nga đã kiểm soát Crimea từ cuối tháng Hai.
Moscow nói đây là lính tự vệ thân Nga chứ không nhận lệnh của Nga.
Cùng ngày, Quốc hội Crimea đã chính thức tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và yêu cầu được sáp nhập với Liên bang Nga.
Đây là diễn biến mới sau khi xảy ra cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi, với kết quả đa số ủng hộ rời Ukraine.
Theo kết quả bỏ phiếu ở quốc hội Crimea hôm thứ Hai 17/03, luật pháp của Ukraine không còn áp dụng lên vùng này, và toàn bộ các tòa nhà công quyền đều thuộc về Crimea độc lập.
“Nếu tiếp tục can thiệp vào Ukraine, Nga sẽ không đạt được gì ngoài sự cô lập” – Tổng thống Barack Obama
Vùng này sẽ dùng tiền tệ của Nga, đồng rouble, và sẽ chuyển múi giờ theo Moscow – sớm hơn hai tiếng – vào cuối tháng Ba.
Văn bản do các dân biểu thông qua cũng kêu gọi “toàn bộ các quốc gia trên thế giới công nhận đây là một quốc gia độc lập”.
Bán đảo Crimea giáp biên giới với Nga và Ukraine, đã bị các lực lượng ủng hộ Nga kiểm soát từ cuối tháng Hai.
Nga chính thức khẳng định rằng các nhóm quân không chịu sự chỉ huy của mình mà là lực lượng tự vệ.
Chính quyền ở Kiev nói không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Hoa Kỳ và châu Âu cũng tuyên bố cuộc bỏ phiếu là phi pháp và sẽ áp dụng cấm vận lên Moscow.
Chính quyền lâm thời ở Kiev của ông Arseniy Yatsenyuk gọi cuộc bỏ phiếu là “trò xiếc” được bảo vệ bởi “21.000 quân Nga, cùng với súng ống chứng tỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ dấu hiệu cho thấy nước ông sẽ đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, cảnh báo nước này rằng Mỹ và các đồng minh sẽ ‘không bao giờ chấp nhận’ cuộc bỏ phiếu ly khai của Crimea hôm Chủ nhật ngày 16/3.
Người Tartar và nhiều dân tộc thiểu số người Ukraine ở vùng Crimea tẩy chay cuộc bỏ phiếu, và quá trình lấy ý kiến người dân bị chỉ trích rộng rãi.
Trong khi đó, quốc hội Ukraine ở Kiev đã chính thức thông qua việc thành lập 40.000 quân dự bị, nhằm đáp lại điều mà họ gọi là “tình huống chiến tranh”.
‘Sẽ trừng phạt tiếp’
Kiev gọi cuộc bỏ phiếu là ‘trò xiếc’ và không công nhận kết quả
Trong một cuộc điện đàm sau khi có kết quả, Obama nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng cuộc trưng cầu dân ý này ‘vi phạm Hiến pháp Ukraine’.
“Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, vốn vi phạm Hiến pháp Ukraine và diễn ra dưới sức ép của quân đội Nga, sẽ không bao giờ được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận,” Nhà Trắng ra thông cáo viết.
Obama cảnh báo rằng ‘hành động của Nga là xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Hoa Kỳ phối hợp với các đối tác châu Âu chuẩn bị bắt Nga phải trả thêm cái giá cho hành động của họ’.
Trước đó, Điện Kremlin đã cho biết cuộc gọi này là do phía Mỹ chủ động trong lúc mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xuống đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
“Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, vốn vi phạm Hiến pháp Ukraine và diễn ra dưới sức ép của quân đội Nga, sẽ không bao giờ được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận.” – Thông cáo của Nhà Trắng
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin nói với Obama rằng cuộc trưng cầu dân ý là ‘hoàn toàn hợp pháp’ và ‘phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc’.
Các lãnh đạo lâm thời Ukraine đã gọi cuộc bỏ phiếu ở Crimea là ‘bất hợp pháp’ bởi vì khu tự trị này trên thực tế đã nằm dưới sự kiểm soát của người Nga kể từ đầu tháng.
Obama nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng này có thể vẫn được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao nhưng chỉ chừng nào ‘các lực lượng quân đội Nga không tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ Ukraine’ và ‘tập trận quy mô lớn dọc biên giới với Ukraine’.
Nhật lên tiếng
Hôm thứ Hai ngày 17/3, Nhật Bản lên tiếng rằng họ ‘kêu gọi mạnh mẽ’ Nga ‘đừng sáp nhập Crimea’.
“Đất nước chúng tôi không đồng tình với kết quả’ cuộc trưng cầu dân ý,” ông Yoshihidi Suga, chánh văn phòng nội các Nhật, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ.
“Nhật kêu gọi mạnh mẽ Nga hãy tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không sáp nhập Crimea,” ông nói.
Ông Suga nói Nhật sẽ hợp tác với các nước khác trong nhóm G7 để xử lý cuộc khủng hoảng ở Crimea.
Tokyo đã bắt đầu nghiên cứu các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhật báo Nikkei của Nhật dẫn nguồn từ quan chức giấu tên của Chính phủ Nhật đưa tin hôm 16/3.
Trước đây, hôm 15/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng nước ông ‘sẽ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu’ này.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này ‘càng phi pháp hơn’ vì ‘được tổ chức dưới sự đe dọa của lực lượng chiếm đóng Nga’.
“Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea càng phi pháp hơn vì được tổ chức dưới sự đe dọa của lực lượng chiếm đóng Nga.” – Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius
Ngay cả nước Anh, vốn cùng với Đức đã tỏ thái độ thận trọng hơn với Nga, cũng nói rằng ‘đã đến lúc’ đưa ra những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Moscow, theo hãng tin Pháp AFP.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông hôm 17/3 đã lặp lại lời kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế ở Ukraine.
Phát biểu trước phóng viên trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm châu Âu vào cuối tháng này, ông Lý nói rằng ‘đàm phán chính trị’ là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu sắp nhóm họp vào ngày 17/3 để cân nhắc việc cấm thị thực và đóng băng tài sản một số quan chức hàng đầu của Nga.
Theo BBC