Phẩm Hạnh Truyền thống Của Người Phụ Nữ Trung Hoa
Câu chuyện về Tiêu Ý Tân, một phụ nữ thời nhà Liêu, truyền thông điệp về đạo đức và lễ nghi truyền thống, tình cảm gia đình, sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng khi khó khăn hoạn nạn, đó chính là những nguyên tắc thiết yếu được nuôi dưỡng qua bao thế hệ vào thời Trung Quốc cổ đại. (Xixinxing / Photos.com)
Tiêu Ý Tân (蕭意辛), vợ của Gia Luật Nô, một quan chức của triều đại nhà Liêu (AD 916-1125 ), được biết đến như một hình mẫu phụ nữ Trung Quốc cổ đại, đại diện cho những đức tính truyền thống của người phụ nữ Trung Quốc. Cô có huyết thống hoàng gia, vì mẹ cô là công chúa Hô Đồ, là con gái của hoàng đế .
Tiêu Ý Tân vừa xinh đẹp lại vừa thông minh gia giáo. Bước sang tuổi 20, cô đã lập gia đình và nguyện toàn tâm toàn ý dành trọn cuộc đời mình cho chồng và gia đình.
Một lần, Ý Tân trò chuyện với các cô chị em dâu, họ bắt đầu thảo luận về phương cách để chiếm trọn tình cảm của chồng thông qua việc cúng lễ trừ tà.
Ý Tân lại đưa ra quan điểm riêng của mình. “Những toan tính như thế không phù hợp với lễ giáo gia phong”, cô nói.
Khi mọi người hỏi tại sao, Ý Tân thưa rằng: “Nếu chúng ta luôn chú trọng trau dồi phẩm hạnh, uốn nắn hành vi bản thân theo các phép tắc lễ nghi chuẩn mực, nếu chúng ta tận tình chăm sóc các đấng sinh thành, luôn dành cho họ sự kính trọng và tấm lòng hiếu thảo, nếu chúng ta dịu dàng, đoan trang trong mối quan hệ với phu quân, và nếu chúng ta khoan dung, có tấm lòng rộng mở đối với con trẻ, khi đó chúng ta đang sống theo đúng lễ giáo gia phong.”
“Nếu chúng ta có thể làm được như thế, chúng ta sẽ tự nhiên có được tình yêu và sự tôn trọng của phu quân. Bằng không, khi chúng ta viện đến phương cách xấu để đạt được điều mình muốn, há không hổ thẹn với lương tâm hay sao?”
Nghe qua mấy lời này, ai nấy đều cảm thấy hổ thẹn.
Chẳng bao lâu sau, chồng Ý Tân bị án lưu đày biệt xứ vì một lời vu khống. Vì Ý Tân là con gái của công chúa, nên hoàng đế muốn nàng li dị chồng để tránh liên lụy.
Đáp lại, Ý Tân cầu khẩn, “Tâu bệ hạ, người vì đoái hoài đến huyết thống tình thâm mà mong cứu con khỏi cuộc sống đày ải gian khổ cùng phu quân, ân điển của người như trời biển.”
“Nhưng đã là vợ chồng thì phải tuân theo đạo nghĩa vợ chồng, có phước cùng hưởng có họa cùng chia, mãi mãi không rời xa cho đến khi lìa đời.
“Con nên duyên cùng Gia Luật Nô lúc mới đôi mươi, thì lẽ nào hôm nay khi tướng công lâm nạn lại có thể đành đoạn bỏ rơi chàng, đó chẳng phải là trái với luân thường đạo lý, đó chẳng phải hành vi của loài cầm thú hay sao?“
“Con cầu mong Bệ hạ rủ lòng thương xót cho phép con được sát cánh cùng Luật Nô trên bước đường lưu vong. Có chết con cũng không hối tiếc. “
Nàng vừa lạy lục vừa van xin, hoàng đế đành thuận tình.
Sống cuộc đời lưu đày, hàng ngày Tiêu Ý Tân cùng chồng phải làm việc rất cực nhọc, chịu đựng rất nhiều gian khổ, thế nhưng Tiêu Ý Tân không một lời oán thán. Thay vào đó nàng lại càng chu đáo và thêm kính yêu chồng.
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.