Khối nợ 1,35 triệu tỷ sẽ khiến nhiều sếp DNNN mất chức?
Nghị định 206/2013/NĐ-CP quy định việc xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi thì các doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân là Hội đồng thành viên, chủ tịch, tổng giám đốc. Đồng thời yêu cầu tập thể, cá nhân lãnh đạo phải dùng tài sản cá nhân để bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được phép dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo trường hợp cụ thể.
Sau khi Nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp phải xây dựng được quy chế quản lý nợ. Trường hợp chưa có quy chế thì coi như ban điều hành, các lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ và không được trích thưởng, trừ 20% lương hàng tháng.
Trường hợp để cơ quan thẩm quyền nhắc nhở hơn 1 lần mà doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng được quy chế thì các chủ tịch, tổng giám đốc và các thành viên hội đồng thành viên sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Sếp DNNN sẽ phải dùng tài sản cá nhân để bồi thường các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi. |
Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được xử lý và hạch toán một lần các khoản nợ không thu hồi được vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm.
Cũng theo Nghị định, đối với các khoản nợ phải thu tồn đọng còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi.
Đối với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng trở lên còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải lập dự phòng và hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong năm.
Về xử lý các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp liên quan đến ngân sách nhà nước, các khoản được ngân sách hỗ trợ hoặc cấp bù theo quy định đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa được cấp thì ngân sách cấp nào nợ, ngân sách cấp đó phải có trách nhiệm bố trí để cấp đủ cho doanh nghiệp.
DNNN nợ 1,35 triệu tỷ đồng
Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước Chính phủ gửi đến Quốc hội vừa qua cho thấy: 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Các DNNN như EVN, PVN, Petrolimex… đã thay nhau báo lỗ, báo nợ từ nhiều năm trở lại đây. |
Khối DNNN có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.
Tăng nhẹ 2% so với năm trước là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với 402.955 tỷ đồng. Có số nợ vay tương đối lớn là Tập đoàn Dầu khí PVN 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực EVN 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải Vinalines 31.681 tỷ…
Các DNNN như EVN, PVN, Petrolimex… đã thay nhau báo lỗ, báo nợ từ nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, báo cáo năm 2011 cũng chỉ ra nợ phải trả của EVN là 275.278 tỷ đồng trong đó Công ty mẹ: 210.324 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.292.400 tỷ đồng. Nợ quá hạn của EVN là 10.149 tỷ đồng.
Do vay đầu tư nhà máy điện nên số nợ nước ngoài của EVN là 99.260 tỷ đồng, chiếm 69,5% trong tổng số nợ 142.853 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng, trong đó lớn nhất lại là EVN với số lỗ lũy kế là 38.104 tỷ đồng (lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỷ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá 26.667 tỷ đồng); Petrolimex là 2.390 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế theo báo cáo của 9 Công ty mẹ đến 31/12/2011 là 12.800 tỷ đồng, trong đó: EVN là 8.084 tỷ đồng; Công ty mẹ – Petrolimex 2.706 tỷ đồng.
Theo baodatviet