Độc giả tố cấp cứu 115 bắt người nhà tự lấy cáng
Anh Nghĩa bức xúc nói: “Nhân viên cấp cứu 115 còn bắt tôi tự ra mở xe lấy cáng để chở bố tôi đến viện cấp cứu”.Sau vụ việc nhà báo Trần Đăng Tuấn gọi điện cho 115 để yêu cầu cấp cứu khi ông chứng kiến vụ tai nạn trên đường Hoàng Đạo Thúy được VTC News đăng tải, nhiều độc giả đã phản ánh đến VTC News về sự chậm trễ của đơn vị này.
Xe cấp cứu 115 tại trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Tâm) |
Anh Nghĩa (Kim Đồng, Hà Nội) bức xúc kể: 7h45’ tối ngày 16/10/2012, bố tôi lên cơn đột quỵ. Lúc đó, cả gia đình hô ầm lên, hàng xóm của tôi vội vàng gọi điện cho 115 cấp cứu và liên tục giục giã.
Khoảng 20 phút sau, xe cấp cứu đến. Họ đi rất lững thững còn lòng tôi thì như lửa đốt.
Họ khám, bơm ô xy cho bố tôi một lúc rồi bảo bố tôi đi rồi. Tôi bảo: “Còn nước còn tát, các anh đưa ông cụ nhà tôi đi đến viện, chi phí thế nào gia đình sẽ chi trả”.
Nhưng người trong kíp cấp cứu nói: Chuyển ông đến viện cũng vậy thôi, nên chuyển ông đến nhà xác. Nghe thấy vậy, tôi càng điên. Sau đó, một người trong kíp cấp cứu ngồi lại trong nhà, một người bỏ ra ngoài.
Khi tôi nói chở cụ đi cấp cứu, người trong kíp cấp cứu 115 còn bảo tôi tự ra xe mà lấy cáng. Tôi loay hoay mãi mới mở được cửa để lấy cáng đưa cụ đi cấp cứu. Sau đó đến viện thì cụ cũng ra đi.
Nhưng hôm đó, tôi rất bức xúc vì thái độ của mấy người trong kíp cấp cứu. Họ rất hờ hững, người nhà yêu cầu đưa đi cấp cứu ở viện thì trách nhiệm họ cứ đưa đi chứ?
Sau khi cụ mất, gia đình tang gia bối rối nên tôi không có thời gian để nghĩ tới chuyện lên trung tâm giải quyết chuyện mấy nhân viên 115 trong kíp trực đó. Tôi định lên tìm 2 nhân viên đó để làm cho ra nhẽ nhưng gia đình tôi can ngăn vì chuyện đã qua rồi.
Còn anh Vũ Lương, một nhà báo bức xúc kể với phóng viên về việc cấp cứu 115 đến rất muộn khi em họ anh phải cấp cứu chuyển viện.
Hôm đó khoảng ngày 16/3/2013, em họ anh Lương là chị Nguyễn Thị Dung, 25 tuổi quê ở Hải Giang, Hải Hậu, người Nam Định cần phải cấp cứu chuyển từ bệnh viện Nội tiết TW sang A9, bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, chị Dung bị suy thận độ 4, được bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chỉ định cắt tuyến giáp ở bệnh viện Nội tiết TW.
Độc giả có thể tham khảo bảng thu phí khi gọi 115. (Ảnh: Nguyễn Tâm) |
Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, quá trình hồi sức không thành công, tiên lượng xấu, bác sĩ nói cần phải chuyển chị Dung sang A9 bệnh viện Bạch Mai cấp cứu gấp. Gia đình được khuyến cáo là chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.
Anh Lương kể: “Lúc đó, xe cấp cứu của bệnh viện Nội tiết TW không có, bác sĩ nói để họ gọi xe cấp cứu của 115. Thời điểm gọi khoảng 1h30’.
Tôi nhớ lúc đó, vì không thấy cấp cứu của 115 đến, tôi có thấy xe cấp cứu của tư nhân đậu bên ngoài viện, bảo hay nhờ xe đó, y tá có nói nếu dùng xe tư nhân bên ngoài, bệnh nhân có mệnh hệ gì, họ sẽ không chịu trách nhiệm. Vì vậy, gia đình tôi không thuê xe bên ngoài mà vẫn kiên trì đợi xe 115 của nhà nước.
Trong thời gian đợi, y tá trực của bệnh viện Nội tiết TW liên tục gọi hỏi xe đi đến đâu. Bác sỹ và y tá ở đó cuống cả lên, chỉ lo bệnh nhân có thể tử vong khi chưa được chuyển viện. Nhưng mãi đến gần 3h chiều thì 115 mới đủng đỉnh đến.
Rồi kíp trực tại bệnh viện Nội tiết TW lúc đó bàn giao bệnh nhân cho bên cấp cứu 115 gồm 1 bác sỹ, 1 y tá. Và tôi đi theo xe”.
Cũng theo anh Lương, lần đầu tiên phải dùng đến dịch vụ 115 nên cả nhà không ai biết thủ tục thanh toán thế nào. “Sau khi chuyển được người nhà vào A9, tôi hỏi cô y tá vận chuyển, thì cô nói phí vận chuyển hết 400 ngàn đồng. Tôi định biếu thêm là 500 ngàn. Tuy nhiên, do vội vàng, tôi rút kẹp díp tờ 200 ngàn với tờ 500 ngàn.
Sau khi nhận, cô y tá xòe ra đếm, tôi phát hiện đã đưa thừa 200 ngàn so với dự định thì cô đã đút tiền vào túi áo.
Sau đó, tôi có đọc bài viết về cấp cứu 115, và nếu không đọc bài này, tôi cũng không có gì phải lăn tăn ngoại trừ thắc mắc tại sao 115 lại đến quá chậm trong khi bệnh viện Nội tiết TW đã gọi điện nói có trường hợp cấp cứu gấp.
Tôi thấy bác sỹ Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho hay: Tất cả thông tin các cuộc gọi điện thoại đến 115 yêu cầu cấp cứu như giờ gọi, giờ xe đi đều được ghi lại chi tiết. Từ khi tiếp nhận thông tin đến khi xe xuất phát từ trung tâm chỉ 2- 3 phút.
Ngoài ra ông này còn cho biết giá dịch vụ 115 rẻ đến bất ngờ. Họ chỉ thu 1 phần phí theo bảng giá quy định của UBND TP Hà Nội. Cấp cứu tại nhà với cự ly dưới 10 km thu 80 nghìn đồng cho cả ekip, thuốc, phương tiện. Cấp cứu chuyển viện thu 120 ngàn đồng.
Mãi tôi mới biết, sau khi thu phí 115 còn phải xuất hóa đơn cho người thuê dịch vụ, nhưng ê kíp 115 cấp cứu cho em họ tôi thì lấy tiền và lên xe đi luôn.
Đem những vấn đề trên trao đổi với ông Trần Văn Nam, Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, ông Nam cho biết: Chúng tôi không nhận được những thông tin trên phản ánh về ban lãnh đạo.
Qua VTC News, tôi mới nắm được tình hình.
Về nguyên tắc, khi nhận được yêu cầu cấp cứu, thì dù là cuộc điện thoại đó có đúng hay chỉ là hoang tin thì kíp cấp cứu vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ.
Với kíp trực, khi cần hỗ trợ lấy cáng để đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì nhân viên cấp cứu được phép yêu cầu người nhà hỗ trợ lấy cáng và khiêng người bệnh vì kíp cấp cứu chỉ có 3 người kể cả lái xe.
Khi phóng viên nói rõ, kíp cấp cứu đến nhà anh Nghĩa hôm đó không đề nghị anh Nghĩa hỗ trợ mà bảo anh tự mở xe và lấy cáng.
Ông Nam nói: Nếu yêu cầu người nhà tự mở xe, lấy cáng thì nhân viên đó là sai. Những người nào có bức xúc về tinh thần phục vụ của cấp cứu 115, có thể gửi đơn hoặc phản ánh đến chúng tôi qua 3 số điện thoại của lãnh đạo trung tâm là 090 4005147; 0913040744; 0904228979.
Nguyễn Tâm
(vtc.vn)