Các ngân hàng châu Âu chấm dứt giao dịch với Triều Tiên
Sau Bank of China, thêm nhiều ngân hàng châu Âu quay lưng với Triều Tiên
Sau khi ngân hàng Bank of China của Trung Quốc tuyên bố đóng tài khoản, ngừng giao dịch với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, có vẻ như các ngân hàng châu Âu cũng đã có động thái tương tự.
Theo thông tin từ các nhóm cứu trợ châu Âu tại Bình Nhưỡng, họ đã không thể chuyển tiền tới đây do các ngân hàng từ chối thực hiện giao dịch. Hiện nhiều tổ chức buộc phải tính đến giải pháp “xách tay” tiền mặt sang Triều Tiên.
“Việc này sẽ làm giảm khả năng của chúng tôi trong việc thực hiện các dự án, thậm chí là khiến công việc phải chấm dứt hoàn toàn”, Mathias Mogge, giám đốc chương trình của một nhóm cứu trợ của Đức có tên Welthungerhilfe chia sẻ với báo giới. “Nếu tất cả các tổ chức phải rút đi, hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo các lãnh đạo châu Âu và các tổ chức phi chính phủ, vấn đề lớn nhất chính là quyết định của Bank of China trong việc đóng tài khoản ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, bởi trước đây tiền chuyển tới Triều Tiên đều thông qua ngân hàng trung gian là Bank of China.
Quyết định trên được Bank of China đưa ra sau khi chính phủ nước này quyết định ủng hộ lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với Triều Tiên do nước này tiến hành thử hạt nhân lần 3. Theo Tân Hoa Xã, trong ngày 21/5, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm vận này.
Các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại Triều Tiên cũng cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn bởi ngày càng nhiều ngân hàng không muốn giao dịch với các đối tác Triều Tiên, cho dù đó có là ngân hàng ngoại thương Triều Tiên hay không.
Hồi tháng 3, Washington đã áp đặt cấm vận với ngân hàng trên sau khi cáo buộc tổ chức này đã hỗ trợ các chương trình vũ khí hạt nhân bị cấm của Bình Nhưỡng. Theo đó tất cả các cá nhân và tổ chức của Mỹ đều bị cấm giao dịch với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên.
Hiện toàn bộ các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc cũng như đại sứ quán các nước tại Bình Nhưỡng đều phải chuyển tiền qua ngân hàng ngoại thương Triều Tiên. Bởi vậy dù được phía Mỹ hối thúc áp đặt lệnh trừng phạt với ngân hàng này, nhiều nhà ngoại giao EU lo ngại việc này có thể khiến nhiều cơ quan, tổ chức của mình tại Triều Tiên bị “vạ lây”.
“Chúng tôi lo ngại về những tác động không mong muốn của các lệnh trừng phạt tương tự như lệnh trừng phạt với ngân hàng ngoại thương, nhất là khi nó liên quan tới các khoản viện trợ nhân đạo. Chúng tôi đang tìm kiếm những biện pháp để vượt qua các tác động không mong muốn này”, người phát ngôn của bà Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết.
Tổ chức phi chính phủ Triangle Generation Humanitaire của Pháp cho biết ngân hàng của họ không còn chấp nhận chuyển tiền tới Triều Tiên dù EU chưa áp đặt lệnh cấm vận. Việc này khiến họ thiếu hụt ngân sách hoạt động, Anne Trehondart, nhân viên phụ trách khu vực châu Á của tổ chức này cho biết.
“Theo các lệnh cấm vận thì việc này không bị cấm. Nhưng một số ngân hàng vẫn không muốn chuyển tiền tới đây”, bà Trehondart nói.
Một đại diện khác của một tổ chức phi chính phủ châu Âu cũng khẳng định ông không hy vọng khoản tiền chuyển mới đây sẽ tới được Bình Nhưỡng. Theo vị này, giải pháp duy nhất lúc này là cử nhân viên sang Trung Quốc và “xách tay” tiền qua biên giới vào Triều Tiên. Tuy vậy đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi hải quan Trung Quốc cũng chỉ cho phép người nước ngoài mang vài nghìn USD mỗi lần xuất cảnh.
Thanh Tùng
Theo dantri.com.vn